Văn bản pháp luật mới 4359 Lượt xem

Mười điểm mới của luật lao động 2012

Bộ Luật lao động 2012 có một số điểm mới nổi bật về hợp đồng lao động, chính sách tiền lương, bổ sung thêm một số quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi,....

 Mười điểm mới của Bộ Luật lao động năm 2012

Mười điểm mới của Bộ Luật lao động năm 2012

Bộ Luật lao động năm 2012, có hiệu lực từ ngày 01/05/2013. Nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa phân biệt được đầy đủ sự khác biệt giữa Bộ luật mới và cũ, dẫn đến tình trạng vẫn áp dụng quy định pháp luật cũ. Thậm chí không ít doanh nghiệp và nhà tuyển dụng không hề biết đến văn bản mới này.

Thứ nhất, quy định về người sử dụng lao động, so với Bộ Luật lao đông năm 2002, Bộ Luật lao động năm 2012 đã bổ sung thêm các đối tượng thuộc chủ thể của người sử dụng lao động gồm có hộ gia đình, hợp tác xã có thuê mướn sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Do đó, từ nay người sử dụng lao động theo như Bộ Luật lao động hiện hành quy định gồm các chủ thể sau: doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã có thuê mướn sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.

Thứ hai, Bộ Luật lao động năm 2012 đã mở rộng chức năng của Tổ chức dịch vụ việc làm cho phù hợp hơn với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Tại khoản 1 Điều 14 có quy định về Tổ chức dịch vụ việc làm như sau: “ Tổ chức dịch vụ việc làm có chức năng tư vấn, giới thiệu việc làm và dạy nghề cho người lao động; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động và thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.” Như vậy, theo quy định của Bộ luật lao động hiện hành, Tổ chức dịch vụ việc làm có thêm chức năng dạy nghề cho người lao động, giới thiệu; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động.

Thứ ba, về hợp đồng lao động. Bộ Luật lao động mới quy định khác  hơn về trường hợp tự động gia hạn hợp đồng đối với hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một cộng việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng. Theo đó, đối với hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đã hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc, hai bên phải ký kết hợp đồng mới. Nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng cũ sẽ trở thành hợp đồng xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.

Thứ tư, bổ sung thêm các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động sau: người lao động đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi hưởng lương hưu; người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải; người sử dụng lao động là cá nhân, bị tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết; người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động,…

Thứ năm, nâng mức lương của người lao động trong thời gian thử việc ít nhất bằng 85% mức lương của công việc đó, tăng 15 % so với Bộ Luật lao động cũ (70%)

Thứ sáu, bổ sung thêm nhiều quy định mới về Phụ lục hợp đồng lao động (Điều 24), quy định hình thức làm việc không trọn thời gian (Điều 34) quy định cụ thể mức tiền mà người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật; bổ sung nhóm quy định mới về hợp đồng lao động vô hiệu.

Thứ bảy, bổ sung thêm quy định về Đối thoại tại nơi làm việc (khoản 1, Điều 63), xác định rõ mục đích, hình thức đối thoại và việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. Quy định về Thương lượng tập thể, xác định mục đích, nguyên tắc, quyền yêu cầu thương lượng tập thể, đại diện thương lượng, nội dung, quy trình và trách nhiệm của các bên trong thương lượng tập thể. Bổ sung một số quy định về Thỏa ước lao động tập thể.

Thứ tám, về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi ngoài những quy định về giờ làm việc và nghỉ ngơi cho người lao động  như: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 01 ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 30 giờ trong 01 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm. Chương VII, Bộ luật còn quy định NLĐ được nghỉ 10 ngày/năm hưởng nguyên lương, trong đó tết âm lịch được nghỉ 5 ngày, tăng một ngày so với luật đang hiện hành (nghỉ 9 ngày/năm hưởng lương nguyên, trong đó tết âm lịch được nghỉ 4 ngày).

Ngoài ra, trong chương này bổ sung thêm quy định để NLĐ được nghỉ trong một số trường hợp cụ thể như bố, mẹ hoặc anh, chị em ruột chết: “Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại hoặc anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn”(khoản 2 Điều 116). Riêng đối với lao động là người nước ngoài được nghỉ thêm một ngày tết cổ truyền và ngày quốc khánh của nước họ.

Thứ chín, những quy định đối với lao động nữ cũng có những thay đổi đáng kể. Theo Chương X: Những quy định riêng đối với lao động nữ: Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng, thay vì 4 tháng như hiện nay. Trường hợp LĐ nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Trong đó, nếu đến ngày 1/5/2013 mà lao động nữ đang trong thời gian nghỉ thai sản sẽ được hưởng chế độ theo BLLĐ mới.

Thứ mười, về giải quyết tranh chấp lao động Tranh chấp lao động tập thể bao gồm tranh chấp về quyền và tranh chấp về lợi ích; mở rộng cơ chế giải quyết tranh chấp lao động và đình công; bỏ quy định về Hội đồng hoà giải cơ sở. Đối với tranh chấp tập thể về lợi ích sẽ do Hội đồng trọng tài giải quyết, bổ sung thẩm quyền hoãn và ngừng đình công cho Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Bổ sung quyền đóng cửa tạm thời doanh nghiệp của người sử dụng lao động trong thời gian đình công (Điều 216, 217). Hiện nay, do một số điều khoản trong Bộ luật Lao động 2012 chưa được quy định chi tiết, mà còn cần đến sự sự hướng dẫn chi tiết từ các quy định của Chính phủ, do đó để đảm bảo quyền lợi của mình thì các doanh nghiệp nên lưu ý vấn đề này. 

Để cụ thể hóa đồng thời cũng giúp cho các doanh nghiệp có cái nhìn chi tiết hơn trong việc đảm bảo quyền lợi của mình khi xảy ra tranh chấp. Chính phủ có ban hành Nghị định 46/2013/NĐ – CP hướng dẫn Bộ Luật lao động về tranh chấp lao động.

---> Hãy gọi TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT để được hỗ trợ kịp thời!

 

TƯ VẤN

Nếu bạn cần được tư vấn, hãy gọi 1900633725

Nếu bạn yêu cầu dịch vụ, hãy gọi
1900633725

hoặc viết thư tới
contact@luatthaian.vn

Gọi 1900633725