Trước khi đặt bút ký vào bất cứ bản hợp đồng nào, cần phải xem xét thẩm quyền ký kết hợp đồng trong công ty để phòng ngừa các rủi ro pháp lý.
Câu hỏi: Công ty tôi là công ty TNHH có ký hợp đồng mua bán hàng hóa với công ty cổ phần. Người trực tiếp ký hợp đồng là giám đốc của Công ty cổ phần, nhưng lại không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty đó. Khi ký hợp đồng cũng không có giấy ủy quyền. Luật sư cho tôi hỏi: Ai có thẩm quyền ký kết hợp đồng trong công ty?
Người gửi: Thùy Dương, Hà Nội.
Về câu hỏi Ai có thẩm quyền ký kết hợp đồng trong công ty, Công ty Luật Thái An có ý kiến tư vấn như sau.
Để bạn hiểu bản chất của vấn đề, chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu vai trò của hợp đồng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, dù là hợp đồng góp vốn, hợp đồng lao động hay hợp đồng kinh tế… chúng có vai trò vô cùng quan trọng, bởi:
- Là sự thỏa thuận, mang tính ràng buộc về quyền và nghĩa vụ giữa các bên;
- Là căn cứ để giải quyết những tranh chấp liên quan đến các vấn đề mà các bên đã thỏa thuận, thống nhất.
1. Phân biệt chủ thể hợp đồng và người có thẩm quyền ký hợp đồng
Chủ thể của hợp đồng được quy định như thế nào?
Chủ thể của hợp đồng là cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác và phải đáp ứng được các quy định pháp luật dân sự như có năng lực hành vi dân sự và thỏa thuận với nhau về hình thức hợp đồng để xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên.
Như vậy, theo pháp luật dân sự thì chủ thể của hợp đồng dân sự có thể là cá nhân hoặc pháp nhân.
1.1. Trường hợp chủ thể hợp đồng là cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Cá nhân từ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi được phép tham gia tất cả các hợp đồng dân sự và tự mình chịu trách nhiệm về việc thực hiện hợp đồng đó.
- Cá nhân từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi, được ký kết các hợp đồng nếu tự mình có tài sản để thực hiện hợp đồng đó.
- Cá nhân dưới 16 tuổi tham gia các hợp đồng có giá trị nhỏ phục vụ nhu cầu tối thiểu của mình.
1.2. Trường hợp chủ thể hợp đồng là các pháp nhân thì phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Có năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân
- Có tài sản riêng, tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, tham gia vào các quan hệ pháp luật một cách độc lập
Lưu ý: Dù là cá nhân hoặc pháp nhân, khi tham gia ký kết hợp đồng và để hợp đồng có hiệu lực, các bên phải tuân thủ nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện. Không bên nào ép buộc bên nào trong việc ký kết hợp đồng.
1.3. Người có thẩm quyền ký hợp đồng được hiểu như thế nào?
Theo Điều 85 Bộ Luật Dân sự 2015 thì Đại diện của pháp nhân: Đại diện của pháp nhân có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền.
Theo Điều 86 Bộ luật nêu trên, Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân được quy định như sau:
"1. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.
- Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân".
Như vậy, đại diện của pháp nhân được hiểu là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định trong Điều lệ công ty hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
Ngoài ra luật dân sự cũng quy định: Người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền được phép nhân danh công ty ký kết hợp đồng.
Về thẩm quyền ký kết hợp đồng trong công ty: Ngoài quy định nêu trên còn phải thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp, điều lệ, quy chế quản trị hoặc văn bản ủy quyền hợp pháp của công ty.
2. Các quan niệm sai lầm về thẩm quyền ký kết hợp đồng trong công ty như thế nào?
Trong thực tiễn tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp chúng tôi thấy nhìn chung vấn đề pháp lý của hợp đồng chưa được coi trọng, còn hiểu sai về thẩm quyền ký hợp đồng. Ngay cả các chủ doanh nghiệp vẫn cho rằng giám đốc (tổng Giám đốc) là người đương nhiên có quyền ký mọi hợp đồng (hợp đồng lao động, hợp đồng kinh tế...).
Khi ký kết hợp đồng, các chủ thể là doanh nghiệp, đặc biệt là các cá nhân thường ít quan tâm đến thẩm quyền của người ký kết. Nhiều người thường cho rằng: Người ký kết hợp đồng đương nhiên phải là đại diện theo pháp luật của công ty và một khi có dấu đỏ là an tâm rồi…
Xem ngay: Dịch vụ tư vấn hợp đồng tại Công ty luật Thái An
3. Thẩm quyền ký hợp đồng trong công ty TNHH, công ty cổ phần được quy định như thế nào?
3.1. Thẩm quyền ký hợp đồng trong công ty TNHH 1 thành viên
Theo Khoản 1 Điều 86 Luật Doanh nghiệp 2014, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác thì các hợp đồng hoặc giao dịch giữa công ty và các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên xem xét quyết định:
- Chủ sở hữu công ty và người có liên quan
- Thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc và Kiểm soát viên
- Người có liên quan của Thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc và Kiểm soát viên
- Người quản lý của chủ sở hữu công ty, người có thẩm quyền bổ nhiệm những người quản lý này
- Người có liên quan của người quản lý của chủ sở hữu công ty, người có thẩm quyền bổ nhiệm những người quản lý này
Trong trường hợp này, việc chấp thuận người ký hợp đồng được quy định như sau:
- Người ký kết hợp đồng thông báo cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc và Kiểm soát viên
- Gửi bản dự thảo hợp đồng hoặc nội dung chủ yếu của hợp đồng đó.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc và Kiểm soát viên sẽ quyết định có chấp thuận hay không hợp đồng hay giao dịch đó theo nguyên tắc đa số, tức là mỗi người 01 phiếu biểu quyết. Người có quyền lợi liên quan không được biểu quyết.
3.2. Thẩm quyền ký hợp đồng trong công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên:
Theo Điều 67 Luật Doanh nghiệp 2014, các hợp đồng, giao dịch phải được Hội đồng thành viên chấp thuận thông qua bao gồm những hợp đồng được ký kết giữa công ty và các đối tượng sau:
"1. Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận:
a) Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty;
b) Người có liên quan của những người quy định tại điểm a khoản này;
c) Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ;
d) Người có liên quan của người quy định tại điểm c khoản này".
Trong trường hợp này, nghĩa vụ của người ký hợp đồng được quy định như sau:
- Thông báo cho các thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên về dự định ký kết hợp đồng và đối tác ký kết
- Gửi bản dự thảo hợp đồng (nội dung chủ yếu của hợp đồng) cho thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên.
- Nếu điều lệ công ty không quy định khác thì Hội đồng thành viên phải quyết định việc có chấp thuận hay không trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. Hợp đồng, giao dịch được chấp thuận nếu có sự tán thành của số thành viên đại diện ít nhất 65% tổng số vốn có quyền biểu quyết. Thành viên có liên quan trong các hợp đồng, giao dịch không được tính vào việc biểu quyết.
3.3. Thẩm quyền ký hợp đồng trong công ty cổ phần:
Theo khoản 1 Điều 162 Luật Doanh nghiệp 2014, các hợp đồng, giao dịch giữa công ty và các đối tượng sau đây phải được Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị chấp thuận:
- Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với các đối tượng sau đây phải được Hội đồng thành viên chấp thuận:
a) Thành viên, người đại diện theo ủy quyền của thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty;
b) Người có liên quan của những người quy định tại điểm a khoản này;
c) Người quản lý công ty mẹ, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ;
d) Người có liên quan của người quy định tại điểm c khoản này.
Thủ tục chấp thuận ký kết hợp đồng được quy định như sau:
- Các hợp đồng và giao dịch có giá trị nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản doanh nghiệp (ghi trong báo cáo tài chính năm gần nhất) hoặc một tỷ lệ khác ít hơn theo quy định của Điều lệ doanh nghiệp: Phải được Hội đồng quản trị thông qua biểu quyết. Người có lợi ích liên quan không được biểu quyết.
- Các giao dịch và hợp đồng có giá trị khác với quy định nêu trên: Phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua nếu có số cổ đông đại diện 65% tổng số phiếu biểu quyết đồng ý (trừ trường hợp Điều lệ doanh nghiệp có quy định khác). Cổ đông có quyền lợi liên quan không được biểu quyết.
- Trước khi chấp thuận: Việc ký kết hợp đồng phải được báo cáo và nội dung hợp đồng (dự thảo) phải được gửi đến Hội đồng quản trị và Ban Kiểm soát.
3.4. Thẩm quyền ký hợp đồng trong công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật được quy định như thế nào?
Trường hợp công ty có nhiều người đại diện theo pháp luật thì những người đó được phép nhân danh công ty ký kết hợp đồng.
Điều lệ công ty cần quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý, quyền và nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp theo Khoản 2, Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 - Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
4. Thẩm quyền ký hợp đồng theo ủy quyền được quy định như thế nào?
- Người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản nhân danh người đại diện theo pháp luật của công ty
- Người đại diện theo ủy quyền phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
"1. a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp;
c) Thành viên, cổ đông là công ty có phần vốn góp hay cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ không được cử vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quản lý và của người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty làm người đại diện theo ủy quyền tại công ty khác;
d) Các tiêu chuẩn và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định".
Lưu ý: Nếu doanh nghiệp muốn ủy quyền từ người đại diện theo pháp luật cho một cá nhân nào đó thì cá nhân đó phải đảm bảo các điều kiện trên. Văn bản ủy quyền hợp lệ thể hiện rõ nội dung, thời hạn và phạm vi công việc được ủy quyền.
Chủ doanh nghiệp tư nhân có được ủy quyền cho người khác không?
Căn cứ theo Điều 185 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về Quản lý doanh nghiệp như sau:
“1. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc sử dụng lợi nhuận sau khi đã nộp thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.”
Như vậy, đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân thì chủ doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp. Ngoài ra, khoản 1 Điều 138 của Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định về Người đại diện theo uỷ quyền như sau:
- Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Như vậy, chủ doanh nghiệp hay (người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân) có thể ủy quyền cho cá nhân khác thực hiện các hoạt động kinh doanh của công ty. Việc ủy quyền này được lập thành văn bản, với nội dung và phạm vi ủy quyền được trình bày rõ ràng để người được ủy quyền thực hiện.
Việc chấm dứt việc ủy quyền được quy định tại khoản 3 Điều 140 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
“3. Đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:
a) Theo thỏa thuận;
b) Thời hạn ủy quyền đã hết;
c) Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;
d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;
đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại;
e) Người đại diện không còn đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 134 của Bộ luật này;
g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được”
5. Các trường hợp người ký kết hợp đồng không đủ thẩm quyền
- Người ký tuy là đại diện theo pháp luật nhưng không có thẩm quyền ký kết hợp đồng
Trường hợp này thì theo quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty thì người đại diện theo pháp luật của Công ty trước khi ký kết hợp đồng phải có sự chấp thuận của Hội đồng thành viên công ty TNHH hoặc đối với công ty Cổ phần là Đại hội đồng cổ đông hay hội đồng quản trị. Nếu không có sự chấp thuận và thông qua này, người đại diện theo pháp luật của công ty không được thay mặt công ty ký kết hợp đồng.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, Bộ Luật Dân sư 2015, có một số trường hợp người đại diện theo pháp luật của công ty không được ký kết hợp đồng nếu không đáp ứng được một số điều kiện như sau:
- Người ký kết không phải là người đại diện theo pháp luật của Công ty và không có ủy quyền hợp lệ
- Người ký là đại diện theo pháp luật của công ty nhưng không có thẩm quyền ký kết
Đây là những trường hợp mà theo quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty trước khi ký hợp đồng phải có quyết định hoặc thông qua của Hội đồng thành viên (đối với công ty TNHH), Đại hội đồng cổ đông hay Hội đồng quản trị (đối với công ty cổ phần). Khi chưa có quyết định hoặc được chấp thuận này, người đại diện theo pháp luật của công ty đã tiến hành ký kết thì hợp đồng được coi là ký không đúng thẩm quyền.
- Người ký không phải là đại diện theo pháp luật của công ty và không có ủy quyền hợp pháp của người có thẩm quyền ký kết
Trường hợp Phó Giám đốc, Giám đốc chi nhánh, Trưởng các phòng, ban… ký hợp đồng nhưng không có ủy quyền hợp pháp của người có thẩm quyền.
- Người ký có ủy quyền ký kết hợp đồng hợp lệ nhưng khi ký kết hợp đồng đã vượt quá phạm vi được ủy quyền
Người ký không phải là đại diện theo pháp luật của công ty, có ủy quyền hợp pháp nhưng thực hiện ký hợp đồng vượt quá phạm vi ủy quyền (trường hợp này hợp đồng có thể vô hiệu toàn bộ hoặc chỉ vô hiệu một phần).
Xem thêm: Bảng giá tư vấn soạn thảo hợp đồng
6. Giải quyết hậu quả ký hợp đồng trong công ty không đúng thẩm quyền
6.1. Hậu quả pháp lý do việc ký hợp đồng không đúng thẩm quyền được quy định tại Điều 131 đối với giao dịch dân sự vô hiệu:
"1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
- Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
- Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
- Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định".
6.2. Tùy từng trường hợp mà người ký kết hợp đồng hoặc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với hợp đồng được ký không đúng thẩm quyền
Theo quy định của Điều 142 Bộ Luật Dân sự 2015, hợp đồng do người không có quyền đại diện ký kết không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp:
- Người được đại diện đã công nhận hợp đồng đó
- Người được đại diện biết mà không phản đối về việc ký hợp đồng sai thẩm quyền trong một thời hạn hợp lý.
- Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết được việc mình ký kết hợp đồng là không đúng thẩm quyền.
Trong tất cả các trường hợp ngoại trừ ba trường hợp trên, người ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền vẫn phải chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng mình đã ký.
Doanh nghiệp phải ký hợp đồng với người ký không đúng thẩm quyền có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và bồi thường thiệt hại trừ trường hợp doanh nghiệp này đã biết hoặc buộc phải biết nhưng vẫn ký kết hợp đồng.
Trường hợp đồng được ký kết không đúng thẩm quyền như đã nêu trên và gây thiệt hại cho công ty thì sẽ bị tuyên vô hiệu: Người ký kết hợp đồng (cổ đông, thành viên hội đồng quản trị/hội đồng thành viên hoặc giám đốc có liên quan) phải liên đới bồi thường thiệt hại và hoàn trả cho công ty các khoản lợi thu được từ các hợp đồng đó.
7. Cách phòng ngừa rủi ro pháp lý đối với trường hợp ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền
7.1. Hướng dẫn kiểm tra người có thẩm quyền ký hợp đồng trong công ty
Như chúng ta biết, mọi giao dịch của doanh nghiệp đều được thực hiện thông qua người đại diện hợp pháp. Thế nên, muốn tránh trường hợp giao dịch với người không có thẩm quyền của doanh nghiệp, thì trước khi ký kết hợp đồng, chúng ta phải lưu ý:
- Kiểm tra trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Điều lệ công ty của đối tác để xác định được người đại diện theo pháp luật của đối tác:
- Trường hợp người ký kết hợp đồng là đại diện theo pháp luật của Công ty thì phải xem xét đến trường hợp có phải cần sự thông qua của Hội đồng thành viên hoặc Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị hay không.
- Trường hợp không phải là đại diện theo pháp luật thì phải có ủy quyền hợp pháp của người có thẩm quyền. Phải kiểm tra thông tin về thời hạn, phạm vi và nội dung ủy quyền để xác định thẩm quyền của người ký kết.
7.2. Xử lý trong trường hợp đã “chót” ký kết hợp đồng với người không có thẩm quyền của doanh nghiệp
Trong trường hợp này,nếu xảy ra tranh chấp, để buộc doanh nghiệp chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, phải chứng minh được doanh nghiệp đồng ý hoặc biết mà không phản đối việc ký kết hợp đồng của người không có thẩm quyền. Trên thực tế để chứng minh việc đồng ý hoặc biết mà không phản đối của doanh nghiệp là không khá phức tạp.
Qua quá trình tư vấn pháp luật và giải quyết tranh chấp kinh doanh, chúng tôi xin nêu vài biểu hiện được cho là doanh nghiệp đã đồng ý hoặc biết mà không phản đối viêc ký kết sai thẩm quyền trong các tình huống dưới đây:
- Doanh nghiệp đã sử dụng những tài sản có được từ việc thực hiện hợp đồng vào mục đích chung mà người có thẩm quyền ký kết, quyết định đều biết.
- Hợp đồng được thực hiện một cách công khai, liên tục, trong một thời gian dài tại doanh nghiệp. Nội dung thực hiện hợp đồng được nêu tại các cuộc họp có mặt đầy đủ của người có thẩm quyền ký kết hoặc có quyền quyết định của doanh nghiệp.
- Các khoản thu, chi từ việc thực hiện hợp đồng cũng được thể hiện tại các chứng từ, sổ sách kế toán hay báo cáo tài chính của doanh nghiệp và đã được báo cáo hoặc phê duyệt của chính người có thẩm quyền ký kết, quyết định của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp đã sử dụng những lợi ích (tài sản) có được từ việc thực hiện hợp đồng vào mục đích chung mà người có thẩm quyền ký kết, quyết định đều biết;
- Lợi nhuận từ việc thực hiện hợp đồng được doanh nghiệp tái đầu tư hoặc sử dụng vào các mục đích chung (của doanh nghiệp).
- Các trường hợp khác: Nếu có căn cứ chứng minh việc doanh nghiệp đã và đang chấp nhận, thực hiện những hợp đồng được ký kết không đúng thẩm quyền.
Như vậy, để buộc doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại thì chỉ có cách chứng minh là doanh nghiệp đó công nhận việc ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền, đã biết việc ký kết không đúng thẩm quyền nhưng không phản đối mà vẫn thực hiện hợp đồng hoặc doanh nghiệp có lỗi dẫn đến người ký kết hợp đồng không biết mình đang ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền.
8. Các vấn đề liên quan đến chủ đề Ai có thẩm quyền ký hợp đồng trong công ty:
- Các trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng
- Các trường hợp được hủy bỏ hợp đồng
- Các trường hợp miễn trách nhiệm trong hợp đồng
- Ký hợp đồng bằng USD, xuất hóa đơn bằng VNĐ có được không?
- Ngôn ngữ khi soạn thảo hợp đồng
- Xử lý khi bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán?
- Xử lý trường hợp bên bán giao hàng hóa kém chất lượng?
9. Quy trình Tư vấn hợp đồng tại Công ty luật Thái An
Nếu cần có một hợp đồng chặt chẽ, kín kẽ và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình trong giao dịch, hãy sử dụng dịch vụ soạn thảo hợp đồng chất lượng cao và chi phí rất phù hợp của Công ty luật Thái An.
Trường hợp tranh chấp hợp đồng, hãy xem tại đây để được hỗ trợ kịp thời https://dangkydoanhnghiep.org.vn/tranh-chap-hop-dong-kinh-te.html
***
Trên đây là phần tư vấn của Công ty luật Thái An về vấn đề “Ai có thẩm quyền ký hợp đồng lao động trong công ty”.
Lưu ý:
Tại thời điểm bạn đọc bài này có thể các quy định pháp luật đã có sự thay đổi. Hãy gọi TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT để được tư vấn từng trường hợp cụ thể!
***
Tác giả bài viết: Tiến sỹ luật học, luật sư Nguyễn Văn Thanh - Thành viên Đoàn luật sư TP. Hà Nội và Liên đoàn luật sư Việt Nam