Văn bản pháp luật mới 6377 Lượt xem

Chính sách nổi bật về bảo hiểm xã hội năm 2016

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2016 có nhiều thay đổi quan trọng: mức tiền lương đóng BHXH; mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm, chế độ thai sản; tỷ lệ đóng bảo hiểm; điều kiện hưởng lương hưu...

Chính sách nổi bật về BHXH năm 2016

Kể từ ngày 01/01/2016, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 bắt đầu có hiệu lực và kéo theo đó là hàng loạt các quy định mới được áp dụng vào thực tế ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp và người lao động. Dưới đây là một số chính sách nổi bật về BHXH, bắt đầu có hiệu lực trong năm nay:

     1. Mức tiền lương đóng BHXH, BHYT, BHTN:

Đây là thay đổi quan trọng nhất trong luật BHXH mới, kể từ ngày 01/01/2016 đến hết ngày 31/12/2017, tiền lương tháng để đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương thay vì trên nền tiền lương cơ bản như luật BHXH 2006.

Kể từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH sẽ bao gồm: mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

     2. Mở rộng đối tương tham gia BHXH:

Quy định mới Luật BHXH bổ sung thêm 3 nhóm đối tượng đóng BHXH bắt buộc bao gồm: người lao động là công dân nước ngoài, người lao động làm việc theo HĐLĐ từ 1 đến dưới 3 tháng, người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Người tham gia BHXH tự nguyện không bị khống chế tuổi trần, giảm mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng, đa dạng hóa phương thức đóng và chính sách hỗ trợ tiền đóng của nhà nước.

     3. Tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn:

Quỹ BHXH: 

     - Đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH với mức 18% (trong đó: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất)

     - Người lao động đóng BHXH với mức 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất

Quỹ BHYT: Doanh nghiệp đóng 3% và người lao động phải đóng 1,5% vào quỹ BHYT

Quỹ BHTN: Cả doanh nghiệp và người lao động đều phải đóng với mức 1% vào quỹ BHTN.

Như vậy, hàng tháng, doanh nghiệp đóng cho người lao động và trích từ tiền lương tháng của người lao động để đóng cùng một lúc vào Quỹ BHXH, BHYT, BHTN với tổng tỷ lệ đóng là 32,5%.

Bên cạnh đó, người lao động là đoàn viên công đoàn đóng 1% tiền lương vào phí công đoàn, doanh nghiệp phải đóng cho Liên đoàn Lao động quận, huyện với tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn là 2%.

     4. Điều kiện hưởng lương hưu tối đa (75%)

Luật BHXH 2014 quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng BHXH để có thể hưởng mức lương hưu cao nhất. Trước ngày 01/01/2018, điều kiện hưởng mức lương hưu giống với quy định của luật cũ.

Kể từ ngày 01/01/2018, lao động nữ đóng BHXH đủ 15 năm được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH, từ năm thứ 16 trở đi thì mỗi năm được thêm 2%. Như vậy, lao động nữ phải đủ 30 năm đóng BHXH để được hưởng mức lương hưu tối đa là 75%.

Đối với lao động nam, lộ trình đóng đối với lao động nam phức tạp hơn, để được hưởng mức lương hưu bằng 45% lao động nam phải đóng 16 năm BHXH, sau đó, mỗi năm thăng thêm 1 năm đóng BHXH nữa, tính đến năm 2022 thì phải đóng đủ 20 năm BHXH mới được hưởng mức 45%. Do đó, để được hưởng 75% bình quân lương, thì lao động nam sẽ phải đóng thêm 5 năm đóng BHXH nữa, tương ứng với 35 năm đóng (thay vì chỉ 30 năm như luật cũ).

     5. Thu tiền lãi đối với DN chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN

Thu bằng 2 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 9 tháng do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố vào năm liền kề trước đó tính trên số tiền và thời gian chậm đóng: Áp dụng với chậm đóng BHYT từ 30 ngày trờ lên

Thu bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH, BHTN bình quân của năm liền kề trước đó tính trên số tiền và thời gian chậm đóng đối với trường hợp chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng, tiền hưởng BHXH, BHTN từ 30 ngày trở lên.

     6. Mở rộng chế độ thai sản

Đối với lao động nam: Trong 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con, lao động nam đang đóng BHXH cũng được nghỉ việc để hưởng chế độ thai sản như sau:

- Trường hợp sinh thường: 05 ngày làm việc; sinh bằng phương pháp phẫu thuật, sinh non (con dưới 32 tuần tuổi): 07 ngày làm việc;

- Trường hợp sinh đôi thường: 10 ngày làm việc, sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật: 14 ngày làm việc và được nghỉ thêm 03 ngày làm việc với mỗi con nếu sinh ba trở lên.

Luật BHXH 2014 còn quy định thêm, nếu chỉ có cha tham gia đóng bảo hiểm xã hội thì khi người vợ sinh con, thì người cha được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 2 tháng lương cơ sở trên mỗi con

Đối với nữ lao động mang thai hộ: Trước đây, pháp luật về BHXH không quy định về chế độ thai sản cho những người mang thai hộ, từ ngày 01/01/2016 trở đi, lao động nữ mang thai hộ đang đóng BHXH bắt buộc cũng được hưởng các chế độ thai sản về khám thai, sẩy thai, phá thai bệnh lý… và chế độ sinh con cho đến khi giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không được quá 6 tháng. Được nghỉ tối thiểu 60 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần) tính từ thời điểm sinh đứa bé.

Đối với nữ lao động nhờ mang thai hộ: được hưởng chế độ thai sản từ ngày nhận con đến khi con được đủ 6 tháng tuổi.

Đối với trường hợp sau sinh mà mẹ chết hoặc con chết:

Trường hợp mẹ chết: cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được nghỉ hưởng chế độ thai sản:

+ Mẹ đóng bảo hiểm hoặc cả bố và mẹ đều đóng BHXH: thời gian nghỉ việc ứng với thời gian được nghỉ còn lại của người mẹ (Luật BHXH cũ quy định là cho đến khi con đủ 4 tháng tuổi);

+ Mẹ đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện: được nghỉ cho tới khi con tròn 6 tháng tuổi.

Trường hợp con chết:

+ Con nhỏ hơn 2 tháng tuổi: mẹ được nghỉ 4 tháng tính từ ngày sinh con;

+ Con từ 2 tháng tuổi trở lên: mẹ được nghỉ 2 tháng tính từ ngày con chết nhưng tổng thời gian nghỉ chế độ không quá 6 tháng.

Dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau thai sản:

Luật BHXH năm 2014 quy định thời gian được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sau thai sản là từ 5 – 10 ngày trong 30 ngày đầu làm việc thay vì trong vòng 1 năm như Luật BHXH 2006. Nếu thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe nằm trong khoảng thời gian chuyển tiếp giữa 2 năm thì thời gian nghỉ năm sau được tính cho năm trước. Mức hưởng chế độ này tăng thêm 5% so với quy định cũ là 30% mức lương cơ sở/ngày nếu phục hồi, dưỡng sức tại gia, 40% nếu phục hồi, dưỡng sức tại cơ sở tập trung.

Đi làm trước hạn: Luật mới quy định, thời gian để đi làm trước hạn tăng lên là ít nhất 4 tháng (quy định cũ là khi con đủ 60 ngày trở lên) và phải báo trước và được sự đồng ý từ phía người sử dụng lao động.

Chế độ thai sản khi nhận con nuôi: Lao động nữ nhận con nuôi, được nghỉ hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi thay vì chỉ 4 tháng như luật cũ.

Trên đây là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.

Hãy liên hệ ngay với Công ty luật Thái An để biết thêm các văn bản pháp luật mới! 

TƯ VẤN

Nếu bạn cần được tư vấn, hãy gọi 1900633725

Nếu bạn yêu cầu dịch vụ, hãy gọi
1900633725

hoặc viết thư tới
contact@luatthaian.vn

Gọi 1900633725