Phát hành, sử dụng hóa đơn như thế nào sao cho hợp pháp luôn là mối quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định về hóa đơn. Để hiểu rõ hơn, hãy cùng Công ty Luật Thái An tìm hiểu thông qua câu hỏi của 1 khách hàng như sau:
Hỏi luật sư:
Xin chào công ty luật Thái An, tôi đang có thắc mắc muốn nhờ luật sư giải đáp giúp: tôi thấy thông thường mỗi năm đều có quy định mới về hóa đơn được ban hành, vậy cho tôi hỏi, hiện tại đang có những văn bản nào quy định về hóa đơn, và tôi muốn nhờ luật sư tư vấn giúp một số câu hỏi nhỏ sau: trường hợp phát hiện ra hóa đơn lập sai khi chưa giao hóa đơn cho người mua hàng thì xử lý như thế nào? Và trường hợp khi bán hàng hoá, dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần mà người mua không lấy hoá đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì người bán có phải lập hoá đơn không? Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về công ty chúng tôi! Vấn đề của bạn chúng tôi xin được trả lời như sau:
Thứ nhất: Các văn bản pháp luật về hóa đơn đang được áp dụng.
Tính đến thời điểm tháng 8 năm 2016 thì có các văn bản sau về hóa đơn đang có hiệu lực:
+ Nghị định 51/2010/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
+ Nghị định 04/2014/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 51/2010/NĐ-CP về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
+ Thông tư 39/2014/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 51/2010/NĐ-CP và 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
+Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi Thông tư 156/2013/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC, 219/2013/TT-BTC, 08/2013/TT-BTC, 85/2011/TT-BTC, 39/2014/TT-BTC và 78/2014/TT-BTC để cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế.
+ Thông tư 26/2015/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định 12/2015/NĐ-CP, sửa đổi Thông tư 39/2014/TT-BTC về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
Trên đây là toàn bộ văn bản về hóa đơn đang được áp dụng mong bạn lưu ý khi áp dụng để tránh trường hợp áp dụng phải văn bản pháp luật đã hết hiệu lực.
Thứ hai: Về các câu hỏi nhỏ bạn đưa ra.
+ Câu hỏi 1: Khi phát hiện ra hóa đơn lập sai mà chưa giao hóa đơn cho người mua hàng thì xử lý như thế nào?
Với câu hỏi này, theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính thì trường hợp lập hóa đơn chưa giao cho người mua, nếu phát hiện hóa đơn lập sai, người bán gạch chéo các liên và lưu giữ số hóa đơn lập sai đó.
+ Câu hỏi 2: Khi bán hàng hoá, dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần mà người mua không lấy hoá đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì người bán có phải lập hoá đơn không?
Với trường hợp này, theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 16, Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 thì khi bán hàng hoá, dịch vụ từ 200.000 đồng trở lên mỗi lần mà người mua không lấy hoá đơn hoặc không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) thì người bán vẫn phải lập hoá đơn và ghi rõ “người mua không lấy hoá đơn” hoặc “người mua không cung cấp tên, địa chỉ, mã số thuế”.
Riêng đối với các đơn vị bán lẻ xăng dầu, nếu người mua không yêu cầu lấy hoá đơn, cuối ngày đơn vị phải lập chung một hoá đơn cho tổng doanh thu người mua không lấy hoá đơn phát sịnh trong ngày.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Nếu còn vướng mắc, xin vui lòng liên hệ trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn của chúng tôi để được giải đáp thắc mắc.
Công ty Luật Thái An