Theo Luật sư tư vấn luật, vợ gặp rủi ro sau sinh không đóng bảo hiểm xã hội thì chồng ( đóng bảo hiểm xã hội) được hưởng chế độ thai sản để chăm con.
Chào Luật sư, tôi mới đóng bảo hiểm được 2 tháng, vợ tôi không đóng bảo hiểm xã hội. Lúc sinh con, vợ tôi không may bị rủi ro và mất hoàn toàn khả năng sinh con. Vậy trong trường hợp này tôi có được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm con không?
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho Công ty Luật Thái An, về vấn đề của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Pháp luật luôn dự trù những trường hợp có thể xảy ra trong đời sống, việc rủi ro sau khi sinh xảy ra không ít đối với sản phụ khiến họ mất khả năng chăm con mới sinh, nên người chồng sẽ phải thay thế vợ mình chăm con, vì vậy quy định của pháp luật sẽ tạo điều kiện cho người chồng có thể hưởng chế độ nghỉ chăm con nếu vợ mình gặp rủi ro khi sinh con.
Cụ thể, căn cứ vào khoản 6 Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014: " Trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi".
Căn cứ điểm d mục công văn 3432/LĐTBXH-BHXH hướng dẫn chi tiết như sau: " khoản 6 điều 34 của Luật bảo hiểm xã hội quy định trong trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh , chữa bệnh có thẩm quyền thfi cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi, không phụ thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội"
Từ quy định trên chúng ta có thể rút ra được kết luận là người cha có quyền được nghỉ ở nhà chăm sóc con thay vợ trong trường hợp không may vợ mất khả năng chăm sóc con do rủi ro lúc sinh nếu đáp ứng được các điều kiện sau:
- Có giấy chứng nhận về việc vợ gặp rủi ro sau sinh khiến không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đủ thẩm quyền cấp. Có thể là cơ sở khám chữa bệnh nơi vợ sinh con hoặc các cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền có thể xác định được người vợ không còn khả năng chăm con.
- Có cha tham gia đóng bảo hiểm xã hội và thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ không phải là điều kiện để xét chế độ thai sản cho người cha trong trường hợp vợ gặp rủi ro.
Vì thế trong tình huống trên dù người chồng mới đóng bảo hiểm được 2 tháng nhưng nếu có giấy tờ chứng minh được vợ của mình bị rủi ro sau khi sinh không thể chăm con thì vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Điều 34, Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Về thời gian được hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp này là từ lúc con ra đời cho đến khi đủ 06 tháng tuổi. Người cha có thể ở nghỉ ở nhà thay vợ chăm con và được hưởng chế độ thai sản.
Về mức hưởng chế độ thai sản theo quy định của điểm a, khoản 1 Điều 39 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014:" Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương hằng tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản theo quy định tại điều 32, Điều 33, các khoản 2,4,5 và 6 Điều 34, Điều 37 của Luật này là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội".
Như vậy nếu như áp vào tình huống trên, mức hưởng chế độ thai sản của người chồng sẽ được tính bằng bình quân tiền lương 2 tháng đã đóng bảo hiểm xã hội . Chẳng hạn như tháng đầu tiên người chồng đóng bảo hiểm theo mức lương là 6.500.000, tháng thứ 2 là 7.500.000 thì mức hưởng chế độ thai sản sẽ là (6.500.000+ 7.500.000)/2 = 7.000.000
Vì vậy vấn đề mấu chốt trong trường hợp này vẫn là người chồng có thể xin được giấy chứng nhận là vợ mình gặp rủi ro khi sinh không còn khả năng chăm sóc con của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền để làm hồ sơ xin hưởng chế độ thai sản. Nếu không có giấy tờ trên, lao động nam có thể thỏa thuận xin nghỉ chăm con không lương với công ty nơi mình làm việc.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về vấn đề của bạn. Mong sức khỏe của vợ bạn sớm phục hồi. Chúc cuộc sống gia đình bạn hạnh phúc, may mắn.