Quảng cáo thương mại là một hoạt động thương mại thường xuyên được sử dụng để thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy trường hợp nào thì bị cấm thực hiện quảng cáo thương mại?
Kính chào luật sư Thái An, công ty tôi kinh doanh rượu nhập ngoại. Để đẩy mạnh tiêu thụ, chúng tôi muốn thực hiện các quảng cáo như treo biển quảng cáo và làm các clip quảng cáo chèn vào các clip trên mạng. Xin hỏi Công ty chúng tôi có được phép thực hiện quảng cáo không? Cụ thể các trường hợp bị cấm quảng cáo là trường hợp nào? Xin các luật sư trả lời cho. Tôi xin cảm ơn.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Công ty Luật Thái An của chúng tôi. Luật sư Thái An xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo năm 2012 thì các loại sản phẩm bị cấm quảng cáo bao gồm:
- Hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Thuốc lá.
- Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
- Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
- Thuốc kê đơn; thuốc không kê đơn nhưng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
- Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
- Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
- Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.
Như vậy, nếu Công ty của bạn kinh doanh rượu có nồng độ cồn dưới 15 độ thì các bạn có thể thực hiện việc quảng cáo. Ngoài ra, theo quy định của Luật Quảng cáo, bạn phải lưu ý các hành vi bị cấm khi quảng cáo bao gồm:
- Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố.
- Quảng cáo bằng việc sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình với giá cả, chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cùng loại của tổ chức, cá nhân khác.
- Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Quảng cáo có nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.
- Quảng cáo vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra còn một số nội dung khác được quy định tại Điều 8 Luật Quảng cáo 2012.
Hy vọng câu trả lời của chúng tôi đã giúp đỡ được bạn.
Nếu cần tư vấn pháp lý, hãy liên hệ trực tiếp tới chúng tôi để được giải đáp kịp thời từ những luật sư tốt nhất.
Trân trọng.