Thông thường, khi các bên kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa, bên giao hàng thường kí kết tiếp hợp đồng giao hàng với bên thứ ba là một công ty logistics để làm nhiệm vụ giao hàng. Vậy trách nhiệm của các bên thế nào trong trường hợp bên giao hàng ( công ty logistics) không giao hàng đúng thời hạn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng hàng hóa?
Câu hỏi:
Công ty TNHH A ký hợp đồng bán cho công ty TNHH B một lô hàng thực phẩm tươi sống, theo hợp đồng công ty A sẽ giao hàng cho công ty B tại kho của công ty B.
Công ty A sau đó đã ký một hợp đồng với công ty TNHH X - một công ty chuyên kinh doanh dịch vụ logistics để công ty này tổ chức việc vận chuyển và giao hàng cho công ty B. Trên đường vận chuyển, xe của công ty X bị trưng dụng để khắc phục hậu quả thiên tai nhưng không thông báo gì cho công ty A. Vì lý do trên, hàng hóa khi được chuyển đến kho của công ty B đã trễ 10 ngày, hàng hóa khi giao đã có dấu hiệu giảm sút về chất lượng tuy vẫn còn trong thời hạn sử dụng. Công ty B đã yêu cầu công ty A phải thay thế hàng hóa khác cho mình đồng thời phải bồi thường thiệt hại do việc giao hàng chậm trễ. Trách nhiệm của các bên là gì khi đây là trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của luật thương mại.
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Thái An. Với thắc mắc của bạn về vấn đề trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa, chúng tôi xin trả lời như sau:
- Căn cứ pháp luật
- Luật thương mại 2005 ( sđ,bs 02017)
- Trách nhiệm của công ty A đối với công ty B
Thứ nhất, căn cứ theo quy định tại điều 294 Luật thương mại 2005, các trường hợp miễn trách nhiệm bao gồm:
- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận;
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
- Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng ủy quyền;
Trong tình huống này, bên A là bên bán hàng, có nghĩa vụ giao hàng cho bên B, nhưng bên A đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, cụ thể là: không giao hàng đúng thời hạn, không giao hàng đúng chất lượng theo hợp đồng. Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật và theo thỏa thuận của 2 bên, có thể thấy, hành vi của bên A là hành vi vi phạm hợp đồng và không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm. Vì vậy, bên A phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng của mình gây ra. 2 bên có thể thỏa thuận với nhau về các biện pháp khắc phục hậu quả. Các chế tài có thể là: buộc thực hiện đúng hợp đồng, gia hạn thực hiện hợp đồng, phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại.
- Trách nhiệm của công ty logistic X đối với công ty A
Thứ nhất, các trường hợp được miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistic:
- Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận;
- Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
- Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
- Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
- Tổn thất là do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng ủy quyền;
- Tổn thất phát sinh do thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics làm đúng theo những chỉ dẫn của khách hàng hoặc của người được khách hàng ủy quyền;
- Tổn thất là do khuyết tật của hàng hóa;
- Tổn thất phát sinh trong những trường hợp miễn trách nhiệm theo quy định của pháp luật và tập quán vận tải nếu thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics tổ chức vận tải;
- Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về khiếu nại trong thời hạn mười bốn ngày, kể từ ngày thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics giao hàng cho người nhận;
- Sau khi bị khiếu nại, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics không nhận được thông báo về việc bị kiện tại Trọng tài hoặc Tòa án trong thời hạn chín tháng, kể từ ngày giao hàng.
Trong trường hợp này, công ty X không giao hàng được cho công ty B theo hợp đồng đã ký với công ty A là do các xe chở hàng của công ty X bị trưng dụng để khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hành vi cảu công ty X chỉ thuộc trường hợp miễn trách nhiệm khi đáp ứng 2 điều kiện sau: (1) Có quyết định trưng dụng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (2) đã thực hiện nghĩa vụ thông báo cho bên A về trường hợp được miễn trách nhiệm và hậu quả có thể xảy ra. Căn cứ thông tin bạn cung cấp thì bên công ty X đã không thực hiện nghĩa vụ thông báo cho bên công ty A về sự kiện bất khả kháng này nên trong trường hợp này, công ty X không được miễn trách nhiệm. Bởi vậy, công ty X phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm hợp đồng do mình gây ra. Các bên có thể tự thỏa thuận về hình thức giải quyết hoặc đưa tranh chấp ra tòa án, trọng tài để giải quyết theo thủ tục tố tụng.
Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề trách nhiệm các bên trong trường hợp vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa. Công ty Luật Thái An mong rằng bài viết sẽ giúp bạn có thêm kiến thức pháp lý về vấn đề này.
Nếu còn bất cứ thắc mắc nào ---> Hãy gọi TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT để được hỗ trợ kịp thời!
Công ty Luật Thái An