Hỏi đáp luật sở hữu trí tuệ 19734 Lượt xem

Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Luật sư cho em hỏi căn cứ nào để xác định một hành vi được coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ? Và có cách nào để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi bị xâm phạm không?

Hỏi: Chào luật sư, em có một câu hỏi mong luật sư trả lời giúp. Theo em được biết thì pháp luật sở hữu trí tuệ quy định các hành vi như hành vi xâm phạm quyền tác giả, hành vi xâm phạm quyền liên quan... là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Vậy luật sư cho em hỏi căn cứ nào để xác định một hành vi được coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ? Liệu có cách nào để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khi bị xâm phạm? Em xin cảm ơn.

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về Luật Thái An. Với câu hỏi của bạn sau thời gian nghiên cứu chúng tôi xin trả lời như sau:

Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và phức tạp khiến cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ gặp rất nhiều khó khăn.

Về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các Điều 28, Điều 35, Điều 126, Điều 127, Điều 129 và 188 của Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam thì quy định về căn cứ để xác định một hành vi có bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các điều nêu trên được ghi nhận tại điều 5 Nghị định 105/2006/NĐ-CP cụ thể như sau:

 “Hành vi bị xem xét bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại các Điều 28, 35, 126, 127, 129 và 188 của Luật Sở hữu trí tuệ, khi  có đủ các căn cứ sau đây:

1. Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

2. Có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.

3. Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các Điều 25, 26, 32, 33, khoản 2 và khoản 3 Điều 125, Điều 133, Điều 134, khoản 2 Điều 137, các Điều 145, 190 và 195 của Luật Sở hữu trí tuệ.

4. Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam”.

Như vậy khi xác định một hành vi có phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hay không cần căn cứ đủ trên 4 yếu tố trên. Cụ thể là:

Thứ nhất, đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 105/2006/NĐ-CP thì: "Đối tượng bị xem xét" là đối tượng bị nghi ngờ và bị xem xét nhằm đưa ra kết luận đó có phải là đối tượng xâm phạm hay không. Đối tượng đang được bảo hộ được quy định tại Điều 6 của nghị định này và Điều 6 của Luật sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, có yếu tố xâm phạm trong đối tượng bị xem xét.

Yếu tố xâm phạm ở đây được hiểu là yếu tố xuất hiện khi có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Các yếu tố xâm phạm được quy định cụ thể tại nghị định này từ Điều 7 đến Điều 14.

Thứ ba, yếu tố chủ thể.

Chủ thể thực hiện hành vi bị xem xét không đáp ứng đủ điều kiện pháp luật quy định, họ không phải là chủ sở hữu của quyền sở hữu trí tuệ, cũng không phỉa là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ.

Thứ 4, hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam.

Nếu hành vi này không xảy ra tại Việt Nam thì pháp luật Việt Nam không thể điều chỉnh. Việc này phù hợp với nguyên tắc lãnh thổ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ trong Tư pháp quốc tế. Bởi lĩnh vực sở hữu trí tuệ là một lĩnh vực khá phức tạp, đòi hỏi phải được xem xét một cách chính xác và phù hợp nhất. Việc pháp luật các nước có quy định khác nhau trong vấn đề quyền sở hữu trí tuệ chính là đặc điểm mà do đó không thể xem xét một hành vi liên quan đến sở hữu trí tuệ xảy ra trên phạm vi lãnh thổ một quốc gia bằng pháp luật của quốc gia khác. Hành vi bị xem xét phải xảy ra tại Việt Nam, nếu nó xảy ra tại nước khác thì không được coi là hành vi xâm phạm.

Về các biện pháp bảo vệ

 Pháp luật sở hữu trí tuệ quy định khá nhiều biện pháp bảo vệ khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để chủ thể có thể linh hoạt khi sử dụng. Bao gồm:

-        Biện pháp tự bảo vệ: quy định tại điều 198 Luật SHTT năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009.

-        Biện pháp dân sự: quy định tại Điều 200, Điều 202 Luật SHTT năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009.

-        Biện pháp hành chính: quy định tại điều 211 Luật SHTT năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009.

-        Biện pháp hình sự: quy định tại Điều 212  Luật SHTT năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, điều 171 Bộ luật hình sự trong bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.

Trên đây là những tư vấn của luật sư về vấn đề của bạn.

---> Hãy gọi TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT để được hỗ trợ kịp thời!

 

 

TƯ VẤN

Nếu bạn cần được tư vấn, hãy gọi 1900633725

Nếu bạn yêu cầu dịch vụ, hãy gọi
1900633725

hoặc viết thư tới
contact@luatthaian.vn

Gọi 1900633725