Chẳng bao lâu nữa, khi Hiệp định TPP được thực thi thì Việt Nam sẽ là thị trường của hơn 600 triệu người trong khối ASEAN (thay vì thị trường của 90 triệu dân như hiện nay). Bởi vậy, khi ký các hợp đồng thương mại, doanh nghiệp càng phải rất cẩn trọng.
Hàng loạt các hiệp định thương mại được ký kết thời gian qua đang mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, khi thị trường rộng mở cũng đồng nghĩa với việc DN phải phải tìm hiểu kỹ hơn luật pháp cũng như các quy định, quy chế của các nước, tập quán thương mại quốc tế... để không thua thiệt và phòng ngừa rủi ro khi ký các hợp đồng thương mại (HĐTM).
Thực tế cho thấy, rất nhiều DN Việt Nam thường hiểu biết hạn chế hành lang pháp lý giao dịch, nhưng lại chủ quan cho rằng tranh chấp sẽ không xảy ra. Đã thế, rất nhiều DN cũng không quan tâm đầy đủ vấn đề sở hữu trí tuệ, thẩm quyền của người ký kết HĐTM cũng như các vấn đề về vận chuyển hàng hóa, thanh toán...
Kinh nghiệm tư vấn hợp đồng thương mại nói riêng, tư vấn pháp luật kinh doanh nói chung cho các doanh nghiệp trong thời gian qua tại Công ty luật Thái An cho thấy, các DN Việt Nam hay bất cẩn về nhiều khâu, từ đó họ bị thiệt đơn, thiệt kép.
Dưới đây chúng tôi xin lưu ý những vấn đề thường hay “sơ suất”của các DN khi ký kết HĐTM. Những “sơ suất chết người” khác trong giai đoạn đàm phán, thực hiện và giải quyết tranh chấp HĐTM, vì thời gian không cho phép, nên chúng tôi không đề cập ở đây.
1. Soạn Dự thảo hợp đồng thương mại
Soạn Dự Thảo hợp đồng giúp cho doanh nghiệp chi tiết hóa những gì mình muốn, đồng thời dự liệu những gì đối tác muốn trước khi đàm phán. Nó được coi là bản kế hoạch cho việc đàm phán. Khi có một dự thảo tốt coi như đã đạt 50% công việc đàm phán và ký kết hợp đồng. Không hiếm DN Việt Nam bỏ qua bước soạn dự thảo này, chỉ chăm chăm đàm phán, sau đó mới soạn thảo hợp đồng thì giống như vừa xây nhà vừa vẽ thiết kế, nên thường có nhiều sơ hở, rủi ro trong hợp đồng, đặc biệt đối với những thương vụ lớn.
Đối với các đối tác nước ngoài, DN nên lưu ý nhiều điều khoản khi ký HĐTM. Thông thường các HĐ thương mại do đối tác nước ngoài soạn thảo rất dài và nhiều khi không rõ ràng vì cách diễn đạt khác với chúng ta. Vì thế, cần Việt hóa các HĐTM này một cách ngắn gọn, đầy đủ và đúng nội dung.
Bên cạnh những điều trên, khi ký HĐ với DN nước ngoài, ngoài chú ý đến luật của Việt Nam, luật của nước đối tác, DN cũng cần chú ý đến các vấn đề thuộc về luật và các tập quán quốc tế.
2. Những điều khoản cần cẩn trọng trong soạn thảo, đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng thương mại
Ngoài những điều khoản quan trọng về giá cả, chất lượng hàng hóa, vận chuyển, thanh toán... thì những điều khoản dưới đây dễ bị các DN hay “chủ quan” nên dễ thua thiệt khi xảy ra tranh chấp.
- Điều khoản Hiệu lực hợp đồng:
Nguyên tắc hợp đồng bằng văn bản mặc nhiên có hiệu lực kể từ thời điểm bên sau cùng ký vào hợp đồng, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Trừ một số loại hợp đồng chỉ có hiệu lực khi được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật (hợp đồng mua bán nhà, hợp đồng chuyển nhượng dự án bất động sản, hợp đồng chuyển giao công nghệ…), các bên cần hết sức lưu ý điều này bởi vì hợp đồng có hiệu lực mới phát sinh trách nhiệm pháp lý, ràng buộc các bên phải thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng.
Liên quan đến hiệu lực thi hành của hợp đồng thương mại thì vấn đề người đại diện ký kết (người ký tên vào bản hợp đồng) cũng cần lưu ý. Người ký phải có thẩm quyền ký hoặc người được người có thẩm quyền ủy quyền hợp lệ. Thông thường đối với doanh nghiệp thì người đại diện được xác định rõ trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép đầu tư. Cùng với chữ ký của người đại diện còn phải có đóng dấu (pháp nhân) của tổ chức, doanh nghiệp đó.
- Điều khoản Phạt vi phạm hợp đồng
Thông thường, với những đối tác (bạn hàng) có mối quan hệ thân thiết, tin cậy lẫn nhau, uy tín của các bên đã được khẳng định trong một thời gian dài thì họ không quy định (thoả thuận) điều khoản này. Còn trong các trường hợp khác thì nên có thoả thuận về phạt vi phạm.
DN cần ghi chuẩn xác là phạt hay bồi thường nếu một trong hai bên vi phạm HĐ. Nếu phạt HĐ thì mức phạt tối đa là 8% giá trị vi phạm (không phải giá trị hợp đồng như lâu nay mọi người lầm tưởng). Do vậy, các bên khi thoả thuận về mức phạt phải căn cứ vào quy định của Luật thương mại để lựa chọn mức phạt trong phạm vi từ 8% trở xuống, nếu ghi nhiều hơn thì phần phần vượt quá được coi là vi phạm điều cấm của pháp luật và bị vô hiệu.
Trong HĐ thương mại, nếu không có điều khoản cụ thể về phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nếu thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.
Tất cả những tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc như: biên bản xác nhận, hóa đơn, tài liệu kỹ thuật, xuất xứ, kết quả giám định, xác nhận của nhân chứng, hình ảnh, thông tin liên quan bằng bản gốc... phải thật chuẩn xác và rõ ràng.
Muốn phạt vi phạm, bên nguyên đơn phải chứng minh được hành vi vi phạm. Còn đòi bồi thường thiệt hại thì phải chứng minh được tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.
- Điều khoản Giải quyết tranh chấp:
Đối với việc lựa chọn giải quyết tại Trọng tài hay tại Toà án thì thoả thuận phải phù hợp với quy định của pháp luật, cụ thể:
Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa các thương nhân với các tổ chức, cá nhân khác không phải là thương nhân khi có tranh chấp thì do Toà án có thẩm quyền giải quyết. Các bên không thể lựa chọn Trọng tài để giải quyết.
Hợp đồng mua bán hàng hoá giữa thương nhân với thương nhân khi có tranh chấp thì các bên có quyền lựa chọn hình thức giải quyết tại Trọng tài hoặc tại Toà án; nếu có sự tham gia của thương nhân nước ngoài thì các bên còn có thể lựa chọn một tổ chức Trọng tài của Việt Nam hoặc lựa chọn một tổ chức Trọng tài của nước ngoài để giải quyết.
Khi các bên lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thì thoả thuận phải nêu một tổ chức Trọng tài cụ thể, ví dụ: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế bên cạnh Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam”. Nếu chỉ thoả thuận chung chung là: “trong quá trình thực hiện hợp đồng nếu có tranh chấp sẽ được giải quyết tại Trọng tài” thì thỏa thuận này vô hiệu.
Đối với hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế: Cần lựa chọn luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp là luật của bên mua hay là luật của bên bán hay là luật quốc tế. Đây là vấn đề hết sức quan trọng. Nhằm tránh rủi ro vì thiếu hiểu biết luật pháp của nước ngoài hay pháp luật quốc tế, thương nhân Việt Nam nên chọn luật Việt Nam để áp dụng cho việc thực hiện và giải quyết tranh chấp HĐTM.
3. Khi ký hợp đồng thương mại, doanh nghiệp cần lưu ý:
- Cần trú trọng ngay cả khâu soạn thảo Dự thảo HĐTM, đặc biệt là với thương vụ lớn hoặc HĐTM quốc tế
- Trong HĐTM cần có thỏa thuận cụ thể về chế tài (phạt vi phạm). Cần cẩn trọng điều khoản thỏa thuận vi phạm có liên hệ trực tiếp đến nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi bên. Biện pháp chế tài này càng chi tiết, rõ ràng thì càng tốt.
- Những chế tài cần phải khả thi, đúng quy định pháp luật để không bị vô hiệu và thực hiện được.
- Không nên coi chế tài để làm khó nhau, mà là biện pháp đảm bảo thực hiện đúng HĐTM, và hướng giải quyết khi xảy ra vi phạm, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên.
- Trong quá trình thực hiện HĐTM phải theo dõi, ghi nhận, khi có dấu hiệu vi phạm phải nhanh chóng thu thập chứng cứ để chứng minh.
- Thông báo kịp thời bằng văn bản khi bị vi phạm, nêu yêu cầu, biện pháp, khắc phục hoặc ngăn chặn...
- Đối với các hợp đồng thương mại có giá trị lớn, tình tiết phức tạp thì nên mời luật sư hỗ trợ pháp lý, tham gia giải quyết ngay từ đầu.
- Chi phí cho luật sư để giúp DN phòng ngừa rủi ro kinh doanh bao giờ cũng ít hơn rất nhiều so với chi phí khắc phục rủi ro hoặc giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại./.
Nếu cần có một hợp đồng chặt chẽ, kín kẽ và bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình trong giao dịch, bạn nên sử dụng dịch vụ soạn thảo hợp đồng chất lượng cao và chi phí rất phải chăng của chúng tôi tại đường link này: https://dangkydoanhnghiep.org.vn/bang-gia-dich-vu-soan-thao-va-ra-soat-hop-dong.html
---> Hãy gọi TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT để được hỗ trợ kịp thời!