Hiện nay, tôi và một vài người bạn có ý định thành lập một công ty cổ phần về truyền thông. Tập đoàn X là một tập đoàn khá uy tín về mảng kinh doanh trên và yêu cầu chúng tôi cho góp vốn. Tuy nhiên, vốn góp của công ty họ chính là thương hiệu. Như vậy có được pháp luật cho phép không thưa luật sư? Việc tính giá trị thương hiệu sẽ làm như thế nào thưa luật sư? Mong luật sư sớm phản hồi và giải đáp thắc mắc cho chúng tôi, chân thành cảm ơn.
Chào bạn và cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Thái An.
Trước hết, bạn nên hiểu góp vốn nghĩa là như nào. Theo khoản 13 điều 4 luật doanh nghiệp 2014 quy định về góp vốn:” 13. Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập”.
Vậy tài sản gồm những gì? Theo quy định tại Điều 163 của Bộ luật Dân sự năm 2005 tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá (như trái phiếu, cổ phiếu, kỳ phiếu...) và các quyền tài sản (như quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng...). Điều 181 của Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ. Như vậy,” thương hiệu” chính là một loại tài sản và được phép góp vốn.
Phải nói thêm rằng, Ở Việt Nam hiện nay và trong luật Sở hữu trí tuệ không có khái niệm "thương hiệu". Các đối tượng bảo hộ của luật sở hữu trí tuệ gồm Sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, tên thương mại, bí mật kinh doanh. "Thương hiệu" là từ mà báo chí và ngôn ngữ mà các thương nhân sử dụng trong giao dịch và trong mỗi hoàn cảnh nó được hiểu theo góc độ của mỗi đối tượng sở hữu trí tuệ khác nhau.
Nói về vấn đề định giá thương hiệu tại Việt Nam khá khó khăn và phức tạp.Ở các nước phát triển, việc góp vốn bằng thương hiệu đã được chấp thuận và quy định bằng văn bản nên họ rất dễ thực hiện. Tại Việt Nam, tuy luật có quy định nhưng theo kinh nghiệm đăng ký kinh doanh của chúng tôi qua nhiều năm qua, rất ít sở kế hoạch đầu tư chấp nhận việc góp vốn bằng thương hiệu để bạn có thể thành lập công ty. Họ cũng có lý của họ bở hiện tại cũng chưa có hướng dẫn nào cụ thể về điều này.
Thực tế có nhiều thương hiệu ở nước ngoài hoặc thậm chí ở Việt Nam nếu được đem định giá để góp vốn sẽ có giá trị rất lớn và doanh nghiệp được góp vốn sẽ khẳng định được ưu thế của mình so với các doanh nghiệp khác cùng lĩnh vực kinh doanh. Ví dụ như việc công ty của bạn làm về mảng truyền thông mà lại được Viettel, FPT góp vốn thì còn gì bằng….
Tóm lại rằng, góp vốn bằng thương hiệu thì hai bên có thể thỏa thuận để tự định giá. Tuy nhiên, khó khăn sẽ nằm ở việc đăng ký kinh doanh và đó là vấn đề mà chưa văn bản nào của pháp luật hiện tại hướng dẫn.
Bạn có thể tham khảo thêm các vấn đề được nhiều người quan tâm tại chuyên mục hỏi đáp luật doanh nghiệp của Công ty chúng tôi.
---> Hãy gọi TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT để được hỗ trợ kịp thời!
CÔNG TY LUẬT THÁI AN
Đối tác pháp lý tin cậy