Nhằm giúp doanh nghiệp vừa hiểu luật, vừa tránh được những rắc rối liên quan, Công ty luật Thái An xin tóm tắt những quy định mới nhất về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý hóa đơn như sau.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/08/2016.
Theo đó:
- Đặt in hóa đơn mà không ký hợp đồng in bằng văn bản: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng
- Đặt in hóa đơn khi cơ quan thuế đã có văn bản thông báo tổ chức, doanh nghiệp không đủ Điều kiện đặt in hóa đơn: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy các hóa đơn đặt in không đúng quy định đối với các hành vi vi phạm.
- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong các hành vi:
+ Nộp thông báo Điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp và nộp bảng kê hóa đơn chưa sử dụng đến cơ quan thuế nơi chuyển đến (khi doanh nghiệp thay đổi địa chỉ kinh doanh) chậm sau 10 ngày kể từ ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn tại địa chỉ mới.
+ Sử dụng hóa đơn đã được Thông báo phát hành với cơ quan thuế nhưng chưa đến thời hạn sử dụng (05 ngày kể từ ngày gửi Thông báo phát hành).
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
+ Lập Thông báo phát hành hóa đơn không đầy đủ nội dung theo quy định;
+ Không niêm yết Thông báo phát hành hóa đơn theo đúng quy định;
+ Nộp thông báo Điều chỉnh thông tin tại thông báo phát hành hóa đơn đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp và nộp bảng kê hóa đơn chưa sử dụng đến cơ quan thuế nơi chuyển đến (khi doanh nghiệp thay đổi địa chỉ kinh doanh) từ sau 20 ngày kể từ ngày bắt đầu sử dụng hóa đơn tại địa chỉ mới.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
+ Lập hóa đơn không đúng thời Điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
+ Lập hóa đơn không theo thứ tự từ số nhỏ đến số lớn theo quy định;
+ Ngày ghi trên hóa đơn đã lập xảy ra trước ngày mua hóa đơn của cơ quan thuế;
+ Lập hóa đơn nhưng không giao cho người mua, trừ trường hợp trên hóa đơn ghi rõ người mua không lấy hóa đơn hoặc hóa đơn được lập theo bảng kê;
+ Không lập bảng kê hoặc không lập hóa đơn tổng hợp theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
+ Lập sai loại hóa đơn theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và đã giao cho người mua hoặc đã kê khai thuế.
+ Làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành nhưng chưa lập hoặc hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) nhưng khách hàng chưa nhận được hóa đơn hoặc hóa đơn đã lập theo bảng kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ;
- Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo theo quy định gửi cơ quan thuế, trừ thông báo phát hành hóa đơn.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Tổ chức, cá nhân vi phạm phải lập và gửi lại cơ quan thuế thông báo, báo cáo đúng quy định.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) để hạch toán kế toán, kê khai thuế và thanh toán vốn ngân sách.
+ Nếu có một tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt ở mức tối thiểu của khung tiền phạt.
+ Nếu có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt cảnh cáo.
+ Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn, trừ liên giao cho khách hàng, trong thời gian lưu trữ thì xử phạt theo pháp luật về kế toán.
+ Trường hợp mất hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị phạt tiền.
+ Trường hợp tổ chức, cá nhân tự phát hiện sai sót và lập lại thông báo, báo cáo thay thế đúng quy định gửi cơ quan thuế trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền ban hành Quyết định thanh tra thuế, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thì không bị phạt tiền.
>>>
Liên hệ ngay với Công ty luật Thái An để được tư vấn luật tốt nhất!