Hướng dẫn thủ tục cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm với cơ sở sản xuất rượu thủ công: hồ sơ cấp giấy chứng nhận, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận với cơ sở sản xuất rượu, thủ tục cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm với cơ sở sản xuất rượu
Tôi là Tuấn. Hiện tại, tôi đang sản xuất, kinh doanh rượu thủ công tại Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội. Nhờ Luật Thái An tư vấn giúp tôi thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Sản phẩm: Rượu trắng nấu + Rượu trắng ngâm với thuốc bắc hoặc động vật (cá ngựa, tắc kè). Bên Thái An có làm dịch vụ xin giấy phép loại này ko? Nếu có, cho tôi xin thêm thông tin về dịch vụ (chi phí, thời gian, các hồ sơ, giấy tờ cần chuẩn bị). Mong sớm nhận được hồi âm của Thái An
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, về vấn đề của bạn, bộ phận tư vấn công ty Luật Thái An xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:
1. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Hiện nay, về chuyên môn thẩm quyền quản lý và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được giao cho Bộ Công Thương, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y Tế. Tùy thuộc vào loại hàng hóa mà gia đình anh kinh doanh sản xuất và quy mô kinh doanh của gia đình anh để xác định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với gia đình anh. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận về ngành được quy định tại thông tư số 13/2014/TTLT – BYT –BNNPTNT – BCT.
Sản xuất rượu thủ công thì thẩm quyền quản lý được giao cho Bộ Công Thương. Theo quy định tại thông tư số 58/2014/TT – BCT thì nếu gia đình bạn sản xuất từ 3000 lít/năm trở lên thì thẩm quyền thuộc về Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Công Thương, nếu dưới thì thẩm quyền thuộc về Sở Công Thương.
2. Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đối với cơ sở sản xuất theo mẫu ( 1a phụ lục I thông tư 58/2014/TT – Bộ Y Tế)
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh /Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/ Giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở);
- Bản thuyết minh về cơ sở vật chất đối với cơ sở sản xuất (mẫu 2a phụ lục 2 thông tư 58/2014/ TT – Bộ Y Tế)
- Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (bản sao có xác nhận của cơ sở)
- Giấy xác nhận đủ sức khỏe để sản xuất, kinh doanh thực phẩm của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh (bản sao có xác nhận của cơ sở)
Chuẩn bị hồ sơ:
a. Xin cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm
- Thẩm quyền: Theo nguyên tắc cơ quan nào cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thì cơ quan đó cấp phép chứng nhận.
- Hồ sơ xin cấp phép
+ Đối với cơ sở kinh doanh (tổ chức)
- Đơn đề nghị xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (mẫu số 01a phụ lục 4 thông tư 13/2014/TTLT- BYT-BNNPTNT-BCT)
- Danh sách các đối tượng đề nghị xác nhận kiến thức trong tổ chức (Mẫu số 01b Phụ lục 4 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT)
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hợp tác xã (Bản sao có công chứng, chứng thực);
- Giấy tờ chứng minh đã nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
+ Đối với cá nhân
- Đơn đề nghị xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm theo mẫu (mẫu số 01a Phụ lục 4 Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT)
- Bản sao giấy chứng minh thư nhân dân;
- Giấy tờ chứng minh đã nộp lệ phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
- Quy trình
- Sau 10 ngày lam việc kể từ ngày nhận được hồ sơ cơ quan có thẩm quyền giải quyết gửi thông báo thời gian tiến hành xác nhận kiến thức cho đối tượng có yêu cầu xác nhận.
- Những cá nhân trả lời đúng 80% câu hỏi kiến thức chung và kiến thức chuyên ngành sẽ được cấp giấy xác nhận trong vòng ba ngày làm việc kể từ ngày tham gia buổi đánh giá.
b. Giấy xác nhận đủ sức khỏe: do cơ sở y tế cấp, có dấu của cơ sở y tế nên xin ở các cơ sở y tế lớn để dễ được chấp nhận.
3. Quy trình thực hiện cấp giấy phép cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
- Nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa của cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận
- Sau 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu hồ sơ không đầy đủ cơ quan tiếp nhận sẽ có thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ, người thực hiện phải bổ sung trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày có thông báo.
- Trong 15 ngày kể từ ngày có hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành thẩm định cơ sở có yêu cầu cấp giấy phép an toàn thực phẩm.
- Kết quả thẩm định phải ghi rõ “Đạt” hoặc “Không đạt” hoặc “Chờ hoàn thiện”, trường hợp chờ hoàn thiện thì trong vòng 60 ngày phải khắc phục. Khi đã khắc phục được trong thời hạn thì cơ sở phải nộp báo cáo khắc phục theo mẫu 4 phục lục 4 thông tư 58/2014/TT-BCT cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Thời hạn thẩm định lại tối đa là 15 (mười lăm) ngày làm việc tính từ khi cơ quan có thẩm quyền nhận được báo cáo khắc phục. Trường hợp thẩm định đạt thì trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả thẩm định cơ quan có thẩm quyền phải cấp giấy chứng cho cơ sở kinh doanh.
4. Chi phí thực hiện
Lệ phí thẩm định cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm là 3 triệu đồng/ hồ sơ/ lần.
Các thức để xin cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất kinh doanh khác cũng tương tự như vậy. Để biết được cụ thể quy trình thực hiện đối với cơ sở của mình, hãy liên lạc với chúng tôi để được tư vấn cụ thể. Sau khi xin giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để có thể kinh doanh hợp pháp, cơ sở sản xuất còn cần xin giấy phép con sản xuất rượu thủ công ( nếu sản xuất trong làng nghề sản xuất rượu đã được cấp phép, công nhận thì không cần).
Trên đây là những tư vấn của chúng tôi, công ty Luật Thái An với nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn và giải quyết các vấn đề pháp lý về doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ bạn khi cần. Hãy liên hệ với chúng tôi nếu bạn gặp vướng mắc.
Công ty Luật Thái An