Hỏi đáp luật doanh nghiệp 6307 Lượt xem

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh là gì?

Khái niệm cạnh tranh không lành mạnh, những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, chi tiết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Thưa luật sư! Tôi đang mở cửa hàng kinh doanh ăn uống. Gần đây có một cửa hàng khác mới mở cạnh tranh trực tiếp với cửa hàng của tôi. Tôi nghi ngờ cửa hàng này đã có những hành vi không đúng đắn để thu hút khách như nói xấu cửa hàng của tôi. Họ đặt biển hiệu gần giống với biển hiệu của tôi. Vậy Luật sư cho hỏi rằng như vậy có thể coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay không và thế nào là hành vi cạnh tranh không lành mạnh?

Ý kiến tư vấn của Công ty luật Thái An:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho chúng tôi, chúng tôi xin trả lời bạn như sau:

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh được quy định rõ tại Luật Cạnh tranh năm 2004, theo đó, khoản 4 Điều 3 có đưa ra khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh: “là hành vi cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh trái với các chuẩn mực đạo đức kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác hoặc của người tiêu dùng”.

Ngoài ra, Luật cũng quy định rõ những hành vi nào thì được coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, theo đó, tại Điều 39 thì có 10 nhóm hành vi được coi là cạnh tranh không lành mạnh, bao gồm

  • Chỉ dẫn gây nhầm lẫn
  • Xâm phạm bí mật kinh doanh
  • Ép buộc trong kinh doanh
  • Gièm pha doanh nghiệp khác
  • Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác
  • Quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh
  • Khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh
  • Phân biệt đối xử của hiệp hội
  • Bán hàng đa cấp bất chính
  • Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp của bạn, hành vi mà cửa hàng kia thực hiện có thể được liệt vào nhóm hành vi: Chỉ dẫn gây nhầm lẫn, Gièm pha doanh nghiệp khác. Cụ thể

Với hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn: Ở đây, cửa hàng mới kia đã có hành vi lắp biển hiệu gần giống với biển hiệu của cửa hàng bạn. Điều này có thể dẫn đến hậu quả khách hàng có thể bị nhầm lẫn giữa hai cửa hàng. Khi mà cửa hàng của bạn đã hoạt động lâu năm, có uy tín trong khu vực, thì việc khách hàng nhầm lẫn không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu mà còn đến cả uy tín của cửa hàng bạn. Ngoài ra, hành vi này cũng có thể bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nếu tên cửa hàng, nhãn hiệu trên biển hiệu của bạn đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.

Còn đối với hành vi gièm pha doanh nghiệp khác: thì ở đây, bạn cần biết được rõ những lời nói xấu mà cửa hàng kia đã nói có nội dung trái với sự thật nhằm hạ thấp uy tín của cửa hàng bạn hay không?  Tuy nhiên, hậu quả của hành vi lại khó thể hiện ra trên thực tế, đồng thời, việc chứng minh có tồn tại hành vi nói xấu cửa hàng bạn của cửa hàng mới kia cũng sẽ gặp nhiều trở ngại.

Trên đây là ý kiến tư vấn của tôi về trường hợp của bạn. Trong quá trình giải quyết vụ việc, nếu có vấn đề gì thắc mắc hãy liên hệ lại với chúng tôi để được giải đáp.

Công ty luật Thái An

TƯ VẤN

Nếu bạn cần được tư vấn, hãy gọi 1900633725

Nếu bạn yêu cầu dịch vụ, hãy gọi
1900633725

hoặc viết thư tới
contact@luatthaian.vn

Gọi 1900633725