Thông thường nếu không thỏa thuận điều khoản giải quyết tranh chấp, khi có tranh chấp diễn ra, các bên thường lúng túng không biết lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng nào phù hợp.
Chào luật sư, công ty tôi có ký hợp đồng mua bán hàng hóa với một công ty khác, trong hợp đồng không thỏa thuận điều khoản giải quyết tranh chấp. Nay hai bên có tranh chấp nhưng không thương lượng, hòa giải được thì chúng tôi nên giải quyết bằng tòa án hay trọng tài ạ?
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi, về vấn đề của bạn, luật sư tư vấn như sau:
1. Giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng Tòa án là gì?
Mỗi khi có tranh chấp, các cá nhân tổ chức thường có ý nghĩ ngay từ đầu là kiện ra Tòa án để giải quyết nhưng chưa hề hiểu rõ phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa án.
Tòa án là một cơ quan trong bộ máy nhà nước thuộc nhánh tư pháp, nhân danh quyền lực của nhà nước để đưa ra phán quyết theo trình tự thủ tục nghiêm ngặt. Bản án của nhà nước sẽ được cưỡng chế thi hành bằng sức mạnh nhà nước.
Thủ tục giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng Tòa án bao gồm:
- Thủ tục giải quyết vụ án tại tòa sơ thẩm gồm có khởi kiện, thụ lý vụ án, hòa giải và chuẩn bị xét xử, mở phiên tòa
- Thủ tục xét xử phúc thẩm nếu có kháng cáo
- Thủ tục xét xử lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật: bao gồm thủ tục giám đốc thẩm và tái thẩm
2. Giải quyết tranh chấp hợp đồng bằng trọng tài là gì?
Khác với Tòa án, trọng tài không phải một cơ quan hoạt động nhân danh nhà nước. Để đưa vụ án ra giải quyết bằng trọng tài thì các bên phải có thỏa thuận trọng tài trước hoặc sau thời điểm xảy ra tranh chấp.
Thủ tục tố tụng trọng tài sẽ phụ thuộc vào trung tâm trọng tài và quy tắc tố tụng trọng tài mà ban lựa chọn trong thỏa thuận trọng tài.
3. Nên lựa chọn Tòa án hay trọng tài để giải quyết tranh chấp hợp đồng?
Để lựa chọn được một phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp, Công ty bạn nên hiểu rõ những ưu điểm, nhược điểm của hai phương thức giải quyết tranh chấp trên.
Ưu điểm của giải quyết tranh chấp bằng Tòa án:
- Thông thường chi phí để giải quyết một tranh chấp hợp đồng của Tòa án sẽ thấp hơn so với trọng tài
- Phán quyết của tòa án có giá trị thi hành cao vì được cưỡng chế thi hành bằng sức mạnh nhà nước.
- Trình tự tố tụng chặt chẽ theo quy định của pháp luật
Nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng Tòa án:
- Thủ tục thiếu linh hoạt và kéo dài
- Tính xét xử công khai không phù hợp với hoạt động kinh doanh thương mại vì dễ ảnh hưởng đến uy tín và tiết lộ bí mật kinh doanh
- Phán quyết có thể bị kháng cáo dẫn đến vụ tranh chấp bị kéo dài
- Trình độ chuyên môn của thẩm phán thường không cao bằng trọng tài viên
Ưu điểm của giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
- Thủ tục linh hoạt, đơn giản, các bên có thể chủ động về thời gian và địa điểm giải quyết tranh chấp tùy vào từng trung tâm trọng tài
- Đảm bảo bí mật hơn so với Tòa án
- Các bên có thể lựa chọn trọng tài viên giải quyết nên có thể lựa chọn được các chuyên gia có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế
- Phán quyết của trọng tài là phán quyết chung thẩm và không bị kháng cáo.
Nhược điểm của giải quyết tranh chấp bằng trọng tài:
- Chi phí trọng tài thường cao hơn tòa án
- Hai bên nhất thiết phải có thỏa thuận trọng tài có hiệu lực và có thể thực hiện được
- Tính cưỡng chế thi hành của trọng tài thường không cao bằng Tòa án
Trên đây là những ưu điểm và nhược điểm của hai phương thức giải quyết tranh chấp bằng tòa án và trọng tài. Việc cân nhắc lựa chọn một phương thức phải căn cứ vào tình hình thực tế của công ty, tính chất thực tế của vụ việc và nguyện vọng của cá nhân bạn.
Nếu có bất cứ thắc mắc gì liên quan đến vấn đề lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng, bạn có thể liên hệ ngay với Công ty Luật Thái An để được hỗ trợ tốt nhất. Trường hợp bạn gặp phải tranh chấp liên quan tới hợp đồng, chúng tôi cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng rất hiệu quả - chi tiết có tại bài viết Dịch vụ giải quyết tranh chấp hợp đồng.
---> Hãy gọi TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT để được hỗ trợ kịp thời!