Hỏi đáp luật thuế 18024 Lượt xem

Điều kiện và thủ tục yêu cầu áp dụng thuế chống bán phá giá

Doanh nghiệp Việt Nam nếu phát hiện có hành vi bán phá giá đủ và chứng minh đủ điều kiện áp thuế chống bán phá giá thì có thể nộp đơn ở Cục quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương để yêu cầu áp dụng thuế chống bán phá giá.

Thưa Luật sư, tôi là người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH A, công ty chúng tôi chuyên cung cấp sản phẩm tôm đông lạnh cho thị trường trong nước. Tháng 6 /2016, bộ phận nghiên cứu thị trường của công ty trong khi phân tích giá thị trường để đưa ra mức giá phù hợp cho sản phẩm tôm đông lạnh mới của chúng tôi đã phát hiện ra Công ty B của Trung Quốc có  dấu hiệu hành vi bán phá giá mặt hàng tôm đông lạnh. Mặt hàng tôm của Trung Quốc bán cho các hệ thống bán lẻ với giá thấp hơn giá của mặt hàng tương tự của công ty tôi rất nhiều, khiến cho chúng tôi bị mất rất nhiều khách hàng và thua lỗ.

Bây giờ chúng tôi muốn nộp đơn yêu cầu áp dụng thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng tôm của Trung Quốc thì phải cần những điều kiện gì và nộp đơn yêu cầu ở đâu?

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cho Công ty Luật Thái An, về câu hỏi của bạn tôi xin tư vấn luật như sau:

thue-chong-ban-pha-gia

  1. Điều kiện để áp thuế chống bán phá giá

Trong thực tiễn thương mại quốc tế, hành vi cạnh tranh không lành mạnh diễn ra rất phổ biến, và bán phá giá là một trong những hành vi đó. Bán phá giá được hiểu là hàng hóa được xuất khẩu từ nước này sang nước khác với giá thấp hơn giá bán của hàng hóa đó ở thị trường nước xuất khẩu.

Thuế chống bán phá giá theo quy định của khoản 5 Điều 4, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 là thuế nhập khẩu bổ sung được đánh vào hàng hóa bán phá giá nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Thực tế thuế chống bán phá giá là một trong những biện pháp chống bán phá giá mà nước nhập khẩu hàng hóa hay sử dụng để bảo vệ thị trường nội địa.  Thuế chống bán phá giá được cơ quan có thẩm quyền xem xét áp dụng sau khi có kết quả điều tra chống bán phá giá. Về điều kiện để áp dụng thuế chống bán phá giá được quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 :

" Điều kiện áp dụng thuế chống bán phá giá

a, Hàng hóa nhập khẩu bán phá giá tại Việt Nam và biên độ bán phá giá phải được xác định cụ thể

b, Việc bán phá giá hàng hóa là nguyên nhân gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất trong nước hoặc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước"

Theo quy định của hiệp định chống bán phá giá ( ADA)  chi tiết hóa điều VI GATT  điều kiện để áp dụng biện pháp chống bán phá giá( có thể là thuế chống bán phá giá) bao gồm ba điều kiện:

Thứ nhất, phải có hành vi bán phá giá và biên độ bán phá giá phải lớn hơn hoặc bằng 2%. Biên độ bán phá giá sẽ được tính bằng giá thông thường( giá bán của sản phẩm tại thị trường nước xuất khẩu hoặc giá bán của sản phẩm tương tự từ thị trường nước xuất khẩu sang thị trường của nước thứ ba hoặc giá được tính trên tổng chi phí sản xuất)  trừ đi giá xuất khẩu( giá trên hợp đồng hoặc giá cho người mua độc lập đầu tiên) sau đó chia cho giá xuất khẩu .

Thứ hai ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại đáng kể. Yếu tố thiệt hại thì đại diện các nhà sản xuất trong nước phải chứng minh.

Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước.

2.Thủ tục nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá

Chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá: Theo quy định tại điều 8 Pháp lệnh số 20/2004/PL- UBTVQH11 ngày 29/4/2004 về việc chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu và Việt Nam tổ chức cá nhân muốn nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá phải là đại diện của ngành sản xuất trong nước khi đáp ứng hai điều kiện là

- Khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa do tổ chức cá nhân đó sản xuất hoặc đại diện chiếm ít nhất 25% khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa của ngành sản xuất trong nước.

- Khối lượng, số lượng, trị giá của hàng hóa do tổ chức cá nhân nộp đơn yêu cầu sản xuất hoặc đại diện chiếm  hơn 50% tổng số tổ chức cá nhân sản xuất hoặc đại diện cho hàng hóa tương tự bày tỏ ý kiến phản đối.

Vì thế nếu công ty của bạn chiếm không đủ khối lượng, số lượng hoặc trị giá hàng hóa để đại diện cho 25 % và 50% nêu trên thì sẽ không có đủ điều kiện nộp đơn yêu cầu. Cách tốt nhất là nên tập hợp và lấy ý kiến của các nhà sản xuất hàng hóa tương tự khác trong nước để đứng ra đại diện nộp đơn yêu cầu.

Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá  : Căn cứ quy định tại Điều 9, Pháp lệnh số 20/2004/PL- UBTVQH11 ngày 29/4/2004 về việc chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu và Việt Nam  hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, bao gồm các nội dung như thông tin của các tổ chức cá nhân có liên quan, mô tả hàng hóa nhập khẩu, thông tin về giá, thông tin về biên độ bán phá giá, các chứng cứ chứng minh thiệt hại...

Hồ sơ yêu cầu áp dụng các biện pháp chống bán phá giá sẽ nộp cho Cục quản lý cạnh tranh của Bộ Công Thương. Nếu hồ sơ hợp lệ, bộ trưởng Bộ công thương sẽ kí quyết định mở cuộc điều tra . Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày có quyết định điều tra, cơ quan điều tra sẽ đưa ra kết luận sơ bộ về quá trình điều tra và khi kết thúc điều tra trên cơ sở kết quả điều tra chính thức  Bộ công thương sẽ ra quyết định  áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về điều kiện và thủ tục xin áp dụng thuế chống bán phá giá, nếu có bất cứ vấn đề gì thắc mắc bạn có thể gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Công ty Luật Thái An luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn.

---> Hãy gọi TỔNG ĐÀI TƯ VẤN PHÁP LUẬT để được hỗ trợ kịp thời!

TƯ VẤN

Nếu bạn cần được tư vấn, hãy gọi 1900633725

Nếu bạn yêu cầu dịch vụ, hãy gọi
1900633725

hoặc viết thư tới
contact@luatthaian.vn

Gọi 1900633725