Mở cửa hàng tại nhà phải nộp thuế thu nhập cá nhân, lệ phí môn bài, thuế VAT và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Kinh doanh nhỏ lẻ như mở cửa hàng là một hình thức kinh doanh tư nhân phổ biến. Một số chủ cửa hàng đăng ký kinh doanh (chủ yếu dưới dạng hộ kinh doanh) hoặc không đăng ký kinh doanh. Vậy họ sẽ phải nộp thuế như thế nào ? Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ tư vấn về việc mở cửa hàng tại nhà phải nộp thuế gì?
1. Câu hỏi của khách hàng
Chào luật sư. Tôi tên là Lan, hiện đang cư trú tại Vĩnh Phúc. Tôi có một thắc mắc về vấn đề mở cửa hàng phải nộp thuế gì như sau:
Tôi và gia đình dự tính chuyển sang Thái Bình sống nên chuẩn bị làm thủ tục mua một căn nhà ba tầng mặt đường. Tôi tính sẽ ở hai tầng trên và tận dụng tầng 1 để mở cửa hàng quần áo. Vậy cho tôi hỏi tôi mở cửa hàng tại nhà có phải nộp thuế gì? Tôi muốn biết cách xác định thuế sử dụng đất phi nông nghiệp trong trường hợp của tôi. Tôi xin cảm ơn. Rất mong được luật sư giải đáp.
Luật Thái An trả lời
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi. Về vấn đề về vấn đề mở cửa hàng phải nộp thuế gì, chúng tôi có ý kiến tư vấn như sau.
2. Cơ sở pháp lý
Cơ sở pháp lý điều chỉnh là các văn bản pháp luật sau đây:
- Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp năm 2010
- Thông tư 153/2011/TT-BTC hướng dẫn về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
- Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng thuế thu nhập cá nhân
- Nghị định 139/2016/NĐ-CP lệ phí môn bài
3. Mở cửa hàng tại nhà có phải nộp thuế gì?
3.1. Thuế thu nhập cá nhân khi mở cửa hàng kinh doanh
Thu nhập chịu thuế trong kỳ tính thuế được tính bằng tích doanh thu khoán trong kỳ tính thuế và tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định.
Tỷ lệ thu nhập chịu thuế ấn định tính trên doanh thu đối với cá nhân kinh doanh chưa thực hiện đúng pháp luật về hoá đơn, kế toán, chứng từ; cá nhân kinh doanh lưu động, cá nhân không kinh doanh:
- Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 30%
- Phân phối, cung cấp hàng hoá: 7%
- Sản xuất, vận tải, dịch vụ gắn với hàng hoá, xây dựng bao thầu nguyên vật liệu: 15%
- Hoạt động kinh doanh khác: 12%
Với trường hợp hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán, việc tính thuế TNCN thực hiện như sau:
Số thuế TNCN phải nộp = doanh thu tính thuế TNCN x tỷ lệ (%) thuế TNCN
Nếu cá nhân kinh doanh nhiều ngành nghề thì áp dụng theo tỷ lệ của hoạt động kinh doanh chính. Nếu cá nhân kinh doanh nhiều ngành nghề và không xác định được ngành nghề kinh doanh chính thì áp dụng tỷ lệ của “Hoạt động kinh doanh khác”.
3.2. Thuế giá trị gia tăng khi mở cửa hàng kinh doanh
Theo Điều 4 Luật Thuế giá trị gia tăng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và phải nộp thuế giá trị gia tăng.
Theo khoản 25 điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng, cửa hàng kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống không chịu thuế giá trị gia tăng. Hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm thì phải nộp thuế giá trị gia tăng theo đúng quy định.
3.3. Lệ phí môn bài khi mở cửa hàng kinh doanh
Căn cứ Điều 4 Nghị định 139/2016/NĐ-CP về Mức thu lệ phí môn bài (lệ phí môn bài có hiệu lực từ 1/1/2017) thì:
“2. Mức thu lệ phí môn bài đối với cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ như sau:
a) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 500 triệu đồng/năm: 1.000.000 đồng/năm;
b) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 300 đến 500 triệu đồng/năm: 500.000 đồng/năm;
c) Cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình có doanh thu trên 100 đến 300 triệu đồng/năm: 300.000 đồng/năm.”
Do đó, tùy vào doanh thu từ hoạt động kinh doanh của bạn mà xác định mức thu lệ phí môn bài như trên.
3.4. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp khi mở cửa hàng kinh doanh
Căn cứ Khoản 2.2 Điều 1 Thông tư 153/2011/TT-BTC quy định đối tượng chịu thuế thì: “Đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm đất để xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh (kể cả đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghệ cao, khu kinh tế);” phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Do đó, khi gia định bạn sử dụng đất ở, đất phi nông nghiệp nhằm mục đích sản xuất kinh doanh thì bạn sẽ phải nộp thuế sử dụng đất.
4. Cách xác định mức thuế đất phải nộp
Công thức tính thuế:
Tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp đối với diện tích đất ở, đất sản xuất kinh doanh, đất phi nông nghiệp khác sử dụng vào mục đích kinh doanh được xác định như sau:
Số thuế phải nộp (đồng) = Số thuế phát sinh (đồng) - Số thuế được miễn, giảm (nếu có)
Trong đó:
Số thuế phát sinh = Diện tích đất tính thuế x Giá của 1m2 đất (đồng/m2)
Theo đó, để tính được số thuế phát sinh cần biết diện tích, giá của 1m2 đất và thuế suất. Cụ thể:
Diện tích đất tính thuế:
Theo Điều 5 Thông tư 153/2011/TT-BTC diện tích đất tính thuế là diện tích đất phi nông nghiệp thực tế sử dụng.
Diện tích đất sử dụng vào kinh doanh (m2) = Tổng diện tích đất sử dụng x Doanh thu hoạt động kinh doanh / Tổng doanh thu cả năm
Giá của 1 m2 đất tính thuế:
Là giá đất theo mục đích sử dụng của thửa đất tính thuế do UBND cấp tỉnh quy định và được ổn định theo chu kỳ 5 năm, kể từ ngày 01/01/2012.
Thuế suất:
Với đất ở (bao gồm cả trường hợp sử dụng để kinh doanh áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần) như sau:
Bậc thuế |
Diện tích tính thuế (m2) |
Thuế suất (%) |
1 |
Diện tích trong hạn mức |
0,03 |
2 |
Phần diện tích vượt không quá 3 lần hạn mức |
0,07 |
3 |
Phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức |
0,15 |
Trên đây là các vấn đề liên quan tới các loại thuế phải nộp khi mở cửa hàng tại nhà. Nếu bạn cần được tư vấn chi tiết và được giải đáp các thắc mắc trong từng trường hợp cụ thể, hãy gọi Tổng đài tư vấn luật đất đai của Luật Thái An – luật sư sẽ giải thích cặn kẽ những gì chưa thể hiện được hết trong bài viết này.
HÃY LIÊN HỆ NGAY LUẬT SƯ ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN VÀ SỬ DỤNG DỊCH VỤ!