Khi người lao động nước ngoài tự ý nghỉ việc thì người sử dụng lao động có thể giải quyết như thế nào? trình tự và thủ tục ra sao?. Cùng Luật Thái An tìm hiểu vấn đề này
Chào Luật sư, tôi có vấn đề này mong Luật sư giải đáp:
Công ty tôi có người lao động ở Philippin sang làm việc, tuy nhiên chưa hết thời gian ký kết trong hợp đồng người lao động này đã tự ý nghỉ việc mà không hề thông báo đối với phía công ty tôi. Luật sư cho tôi hỏi, công ty tôi muốn chấm dứt hợp đồng lao động với người này và hủy thẻ tạm trú của họ như vậy có được không? Xin cảm ơn.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến mục Hỏi đáp lao động của Công ty Luật Thái An. Vấn đề của bạn tôi xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, Về vấn đề sa thải người lao động:
Theo quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động quy định về kỷ luật sa thải đối với người lao động tự ý bỏ việc (Điều 31), người lao động đang làm việc ở công ty bạn tự ý nghỉ việc mà không hề có bất kỳ thông báo nào khi đáp ứng đủ thời hạn:
- 05 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc
- 20 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 365 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng
Thì công ty bạn có quyền áp dụng hình thức xử lý kỷ luật đối với người lao động này là sa thải.
Việc thực hiện xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải đối với người lao động này phải tuân thủ các quy định pháp luật về trình tự và thủ tục tiến hành xử lý kỷ luật lao động.
Thứ hai, về việc hủy thẻ tạm trú của người lao động tự ý nghỉ việc:
Thẻ tạm trú là loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.
Theo Điều 6 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 quy định:
"Đối với người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4, 5 và 6 Điều 5; khoản 3 Điều 21; điểm b khoản 2 Điều 44 của Luật này thì bị thu hồi, hủy bỏ giấy tờ có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam. ( Điều 6 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014)."
Cũng theo quy định của Bộ luật này, người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam có nghĩa vụ phải hoạt động tại Việt Nam phù hợp với mục đích nhập cảnh. Như vậy, nếu người lao động nước ngoài ở công ty bạn nhập cảnh tại Việt Nam với mục đích làm việc cho công ty bạn mà tự ý nghỉ việc đã vi phạm nghĩa vụ của người nước ngoài. (Khoản 2 Điều 44).
Với tư cách là tổ chức bảo lãnh cho người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, công ty của bạn có quyền và nghĩa vụ theo Điều 45 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014.
Như vậy, đối với trường hợp lao động nước ngoài ở công ty bạn đã được cấp thẻ trạm trú tự ý bỏ việc thì cơ quan, tổ chức bảo lãnh (công ty bạn) phải thu hồi thẻ tạm trú nộp lại cho Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh. Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh sẽ cấp thị thực, tạm trú phù hợp cho người nước ngoài đó để xuất cảnh. Trong trường hợp không thu hồi được thẻ tạm trú thì phía Công ty bạn có quyền thông báo bằng văn bản gửi Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh về việc người này không còn nhu cầu bảo lãnh các lao động đó trong thời hạn tạm trú còn lại tại Việt Nam và đề nghị Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh hủy thẻ tạm trú đã được cấp cho người nước ngoài đó.
Trên đây là phần trả lời của Công ty Luật Thái An về vấn đề trợ cấp mất việc. Nếu bạn cần được tư vấn kỹ hơn, bạn có thể gọi điện tới Tổng đài Tư vấn Pháp luật của chúng tôi, các luật sư và chuyên gia tư vấn sẽ giải đáp các thắc mắc của bạn một cách chi tiết và đầy đủ nhất.
Chúng tôi cũng có dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp lao động khi bạn cần hỗ trợ.
Hoặc bạn cũng có thể tìm hiểu về các vấn đề khác liên quan tới luật lao động tại trang Tư vấn luật lao động hoặc Hỏi đáp luật lao động.
CÔNG TY LUẬT THÁI AN