Hỏi đáp luật lao động 9096 Lượt xem

Giữ giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động có vi phạm pháp luật ?

Kính chào Luật sư, tôi muốn nhờ Luật sư tư vấn như sau: 2 tháng trước tôi có ký một hợp đồng thử việc với một công ty. Khi ký kết hợp đồng thử việc, bên công ty đã giữ lại bằng cao đẳng bản gốc của tôi. Nay sau thời gian thử việc, tôi không có nhu cầu muốn làm việc tại công ty nữa và có báo cáo với công ty là tôi không có nhu cầu tiếp tục làm việc và đề nghị công ty trả lại giấy tờ bản gốc cho tôi.

Tuy nhiên, đến nay tôi đã nghỉ việc được 2 tuần mà công ty vẫn chưa trả lại bằng cho tôi. Luật sư cho tôi hỏi, tôi phải làm thế nào để lấy lại được bằng ạ? Tôi xin cảm ơn!

 

Chào bạn, cảm ơn bản đã gửi câu hỏi Luật Thái An, đối với vấn đề của bạn, chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau:

1. Cơ sở pháp lý

  • Bộ luật Lao động năm 2012;
  • Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

2. Về việc người sử dụng lao động giữ văn bằng, chứng chỉ của người lao động

Điều 20 Luật Lao động năm 2012 quy định hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động như sau: “Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.”

Theo quy định trên, người lao động không được phép giữ bản chính văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ tùy thân của người lao động. Do vậy, việc công ty giữ giấy tờ bản gốc của bạn là vi phạm quy định của pháp luật.

Đối với hành vi giữ bản gốc văn bằng, chứng chỉ của người lao động, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:

“Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

  1. a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;
  2. b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.”

Như vậy, trong trường hợp này, công ty có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000.000 đồng.

3. Biện pháp khắc phục hành vi giữ văn bằng, chứng chỉ của người lao động

Điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi giữ giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động như sau:“Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này” Như vậy, công ty sẽ buộc phải trả lại bằng cho bạn.

Để lấy lại giấy tờ gốc, bạn có thể trực tiếp yêu cầu công ty trả lại cho mình. Trong trường hợp công ty không trả lại giấy tờ gốc, bạn có thể đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền can thiệp để xử phạt vi phạm hành chính công ty đã giữ giấy tờ của bạn.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 Nghị định 95/2013/NĐ-CP, Chủ tịch UBND huyện có thẩm quyền phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. Do vậy, bạn có thể làm đơn gửi đến Chủ tịch UBND cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở làm việc để yêu cầu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi này.

Trên đây là một số ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề: Giữ văn bằng, chứng chỉ gốc của người lao động. Mong rằng ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn được cách giải quyết thích hợp cho vấn đề của bạn. Nếu còn bất kỳ băn khoăn, thắc mắc nào, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn kịp thời!

Chúng tôi cũng có dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp lao động khi bạn cần hỗ trợ.

CÔNG TY LUẬT THÁI AN

 

TƯ VẤN

Nếu bạn cần được tư vấn, hãy gọi 1900633725

Nếu bạn yêu cầu dịch vụ, hãy gọi
1900633725

hoặc viết thư tới
contact@luatthaian.vn

Gọi 1900633725