Tư vấn luật đầu tư 2459 Lượt xem

Cải cách thủ tục hành chính trong việc triển khai dự án đầu tư theo Luật Đầu tư 2014

Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực từ ngày 01/07/2015 với nhiều điểm mới và khác biệt so với Luật Đầu tư 2005. Đặc biệt là các quy định về thủ tục hành chính trong việc triển khai dự án đầu tư đã nhận được rất nhiều sự quan tâm. Cùng Công ty luật Thái An tìm hiểu về vấn đề này:

Trong vấn đề về thủ tục thực hiện dự án đầu tư, Luật Đầu tư 2014 đã có một số cải cách như sau:

Thứ nhất, Luật Đầu tư 2014 bãi bỏ thủ tục Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trước đây gọi là Giấy chứng nhận đầu tư) đối với nhà đầu tư trong nước (điều 36). Bởi cấp Giấy chứng nhận đầu tư chỉ là một thủ tục nhỏ nhưng lại được áp dụng trong một phạm vi rộng. hiện nay, pháp luật hiện hành đã có các quy định cụ thể về các điều kiện kinh donh và quản lý hoạt động của các doanh nghiệp, việc cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án nêu trên vừa tạo thêm thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, vừa dẫn đến sự trùng lặp gây khó khăn cho hoạt động quản lý của nhà nước.

Thứ hai, Luật Đầu tư 2014 chỉ còn yêu cầu nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với các dự án nhà đầu tư nước ngoài thuộc một trong số các trường hợp sau:

  • Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 51% vốn điều lệ hoặc công ty hợp danh có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài.
  • Có nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nêu trên nắm giữ trên 51% vốn điều lệ.

Các trường hợp còn lại áp dụng như đầu tư trong nước khi thành lập mới doanh nghiệp, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp thực hiện dự án đầu tư. Như vậy, Luật Đầu tư 2014 không chỉ bãi bỏ thủ tục cáp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư trong nước mà còn giảm bớt thủ tục này cho dự án của một số tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, Luật Đầu tư 2014 đã tách nội dung đăng ký doanh nghiệp ra khỏi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Để giải thoát cho doanh nghiệp khỏi tình trạng một cổ hai tròng, vừa phải tuân thủ Luật Đầu tư vừa phải tuân thủ Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2014 đã tách nội dung đăng ký doanh nghiệp ra khỏi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Theo đó Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giờ đây chỉ ghi nhận thông tin dự án đầu tư (khoản 18 điều 13 Luật Đầu tư 2014), còn việc thành lập doanh nghiệp sẽ do Luật Doanh nghiệp điều chỉnh.

Như vậy, theo Luật Đầu tư 2014, giờ đây dự án của nhà đầu tư trong nước sẽ không phải thực hiện thủ tục Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và doanh nghiệp chỉ cần được hoạt động theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quy định này thể hiện tinh thần dám thay đổi, dám phá cách của Nhà nước ta trong việc cải cách thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư.

Thứ tư, với tinh thần đổi mới đó, Luật Đầu tư 2014 cũng đã tách thủ tục thành lập tổ chức kinh tế của nhà đầu tư nước ngoài gắn với thủ tục đầu tư thành thủ tục đăng ký đầu tư và thủ tục thành lập doanh nghiệp với các thay đổi như sau:

  • Cho phép nhà đầu tư nước ngoài thành lập doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký doanh nghiệp như nhà đầu tư trong nước,
  • Đề ra từng quy trình minh bạch, rõ ràng tạo sự thuận tiện trong thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn tổng thời gian thực hiện thủ tục.

Thứ năm, Luật Đầu tư 2014 áp dụng quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài với thời hạn tối đa 15 ngày thay cho thủ tục đăng ký đầu tư và thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư với thời hạn tối đa 45 ngày như trước đây (Điều 37).

Luật mới đã rút ngắn từ ba quy trình còn hai quy trình: cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối vói dự án chấp thuận chủ trương đầu tư. Quy định này sẽ tiết kiệm được thời gian, công sức của nhà đầu tư cũng như cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Ngoài ra, để giúp các cơ quan cấp Giấy phép thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ của mình đồng thời thống nhất thẩm quyền trong công tác quản lý các dự án đầu tư, Luật Đầu tư 2014 đã chuyển thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thành Sở kế hoạch và đầu tư (Điều 38).

Thứ sáu, Luật Đầu tư đã bổ sung thêm, hoàn thiện một số quy định:

  • Bảo đảm nghĩa vụ thực hiện dự án đầu tư dưới hình thức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án từ 1% đến 3% vốn đầu tư của dự án căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện từng dự án cụ thể. Quy định này như một thỏa thuận về tiền cọc cho dự án đầu tư đối với Nhà nước.
  • Chuyển nhượng dự án đầu tư, giãn tiến độ đầu tư, tạm ngừng hoạt động đầu tư, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư,... theo hướng xác định cụ thể điều kiện, thủ tục thực hiện các hoạt động này cũng như trách nhiệm của nhà đầu tư và thẩm quyền giải quyết của cơ quan quản lý ở địa phương. Đặc biệt, quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sẽ được áp dụng luôn trong trường hợp dự án đầu tư chấm dứt hoạt động đầu tư theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư 2014.

Những điểm mới trong các quy định về thủ tục thực hiện dự án đầu tư của Luật Đầu tư 2014 không chỉ giảm nhẹ gánh nặng thủ tục hành chính cho hoạt động đầu tư của nhà đầu tư mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý trong quá trình theo dõi, giám sát và xử lý các vấn đề phát sinh trong hoạt động của dự án đầu tư, đảm bảo quyền và lợi ích cảu các bên có liên quan cũng như tránh được những lãng phí lớn cho xã hội.

Trên đây là những điểm mới về thủ tục hành chính trong việc triển khai dự án đầu tư theo Luật Đầu tư 2014 mà các donh nghiệp cần quan tâm. Nếu có bất kì vấn đề pháp lí nào thắc mắc, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn luật kịp thời.

Công ty luật Thái An

 

TƯ VẤN

Nếu bạn cần được tư vấn, hãy gọi 1900633725

Nếu bạn yêu cầu dịch vụ, hãy gọi
1900633725

hoặc viết thư tới
contact@luatthaian.vn

Gọi 1900633725