Hỏi đáp luật lao động 8611 Lượt xem

Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Chào Luật sư, tôi muốn nhờ Luật sư tư vấn cho tôi vụ việc như sau: tôi là công nhân của một công ty may tại Hưng Yên. Vừa qua, mẹ tôi bị bệnh nặng nên tôi xin phép công ty nghỉ để chăm mẹ ốm và công ty đã đồng ý. Thế nhưng, khi sắp hết hạn nghỉ phép thì công ty lại thông báo chấm dứt hợp đồng với tôi. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, công ty làm như vậy có đúng hay không? Nếu công ty làm sai thì phải chịu những hậu quả gì? Mong luật sư tư vấn giúp để tôi đòi lại công bằng!

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến công ty Luật Thái An. Đối với câu hỏi của bạn chúng tôi có một số ý kiến tư vấn như sau:

1. Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật là gì?

Điều 41 Bộ luật Lao động năm 2012 (BLLĐ) quy định như sau: “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các điều 37, 38 và 39 của Bộ luật này.”

Điều 37, 38, 39 BLLĐ quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động và người sử dụng lao động. Nếu người lao động hoặc người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng không tuân theo các quy định tại các Điều trên sẽ được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Điều 39 BLLĐ quy định các trường hợp người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

  • Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang trong thời gian điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 BLLĐ;
  • Người lao động đang nghỉ hàng năm, nghỉ việc riêng và các trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý;
  • Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Đối chiếu quy định này vào trường hợp của bạn, có thể thấy việc bạn nghỉ để chăm mẹ ốm được xếp vào trường hợp nghỉ việc riêng và đã được người sử dụng lao động đồng ý. Do vậy, việc công ty bạn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với bạn trong trường hợp này là trái với quy định tại Điều 39 BLLĐ.

Theo quy định tại Điều 41 BLLĐ, hành vi của người sử dụng lao động của bạn là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

2. Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Trường hợp người sử dụng lao động, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật thì sẽ phải chịu các hậu quả pháp lý như sau:

2.1 Đối với người sử dụng lao động

Theo quy định tại Điều 42 BLLĐ, khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ phải chịu các hậu quả pháp lý như sau:

  • Người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc theo đúng hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất hai tháng tiền lương theo hợp đồng.
  • Nếu người lao động không muốn tiếp tục làm việc thì người sử dụng lao động phải trả các khoản bồi thường đã nêu trên (khoản 1 Điêu 42 BLLĐ) và trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 BLLĐ;
  • Nếu người sử dụng lao động không muốn nhận người lao động trở lại làm việc và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản bồi thường tại khoản 1 Điều 42 BLLĐ và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 BLLĐ, hai bên thỏa huận thêm một khoản tiền bồi thường ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Nếu không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều 42 BLLĐ, hai bên thỏa thuận để sửa đổi, bổ sung hợp đồng.
  • Trong trường hợp người sử dụng lao động vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

2.2 Đối với người lao động

Theo quy định tại Điều 43 BLLĐ, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ phải chịu các hậu quả pháp lý như sau:

  • Người lao động không được nhận trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động;
  • Nếu người lao động vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước;
  • Hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 BLLĐ.

Trong trường hợp của bạn, công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật nên công ty sẽ phải gánh chịu các hậu quả pháp lý như chúng tôi đã nêu tại mục 2.1 nêu trên.

Trên đây là một số ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề: Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

Chúng tôi cũng có dịch vụ tư vấn giải quyết tranh chấp lao động khi bạn cần hỗ trợ.

CÔNG TY LUẬT THÁI AN

 

TƯ VẤN

Nếu bạn cần được tư vấn, hãy gọi 1900633725

Nếu bạn yêu cầu dịch vụ, hãy gọi
1900633725

hoặc viết thư tới
contact@luatthaian.vn

Gọi 1900633725